Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đực (Công ty Đất Lành, TP.HCM) đã ví hành trình để khởi công được một dự án là một “cánh đồng bất tận” các thủ tục hành chính.
Đơn cử, để được khởi công một dự án nhà ở, trước năm 2006 chỉ cần phê duyệt dự án với quyết định giao đất là xong thì hiện nay thêm “cả tá” thủ tục từ nối kết hạ tầng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, thiết kế cơ sở, giấy phép xây dựng... những công việc mà theo ông nên để tiến hành sau giai đoạn khởi công. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Đực, thời kỳ từ 2006 trở về trước, việc chuẩn bị dự án chỉ mất 1 năm, sau khi có Nghị định 90, trong giai đoạn 2006 - 2010 phải ngốn thời gian gấp đôi cho việc này. Tiếp đó, từ năm 2010 đến nay, thời gian tiếp tục tăng thêm với đơn vị tính bằng năm.
Điều này khiến cho giá nhà trung bình đã tăng từ 5 - 6 triệu/m2 vào thời điểm đó lên gấp 4 lần hiện nay. “Tất nhiên giá bán còn tùy thuộc nhiều yếu tố như vật liệu, nhân công, lãi suất nhưng không thể loại bỏ yếu tố thủ tục gia tăng. Chính thủ tục gia tăng cộng lãi suất là 2 thòng lọng siết cổ doanh nghiệp nhiều nhất”, ông Đực nói.
tin liên quan
Quá nhiều 'điều kiện': Còn ai dám kinh doanh?Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Quá nhiều “điều kiện” trên mục Chào buổi sáng của Báo Thanh Niên số ra ngày 15.6.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những thực tế nêu trên không phải vì vướng quy định của luật mà chủ yếu ở các nghị định. Ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, dẫn thống kê cho hay để thực hiện được một dự án đầu tư hiện có khoảng 24 thủ tục, đầu việc ở nhiều cơ quan khác nhau từ công thương, môi trường, phòng cháy... và bị quy định bởi nhiều luật, văn bản nên gây chồng chéo.
Nếu thực hiện tuần tự các công đoạn này rồi mới sang thủ tục khác sẽ mất rất nhiều thời gian. “Trên thực tế có những việc hoàn toàn làm song song được, như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường với phòng cháy, thiết kế cơ sở có thể làm trước khi được giao đất... Do đó, việc xây dựng một luật sửa nhiều luật lần này phải cho ra được hướng dẫn quy trình lồng ghép, nếu không, địa phương muốn thực hiện nhanh cũng rất khó”, ông Hiển lưu ý.
TS Nguyễn Đình Cung cũng nhìn nhận, lâu nay có tình trạng sửa luật chỉ chăm chăm vào các điều cụ thể mà yếu tố quy trình hợp lý, đỡ tốn kém, minh bạch ít khi được chú trọng.
Bình luận (0)