Ngay cả nhiều doanh nghiệp đăng ký tổ chức 3T vẫn không đạt tiêu chuẩn mà đơn vị phòng chống dịch đặt ra, buộc phải tạm ngưng tiếp. Giải pháp họ chờ đợi là sớm có vắc xin chích cho công nhân.
Nỗ lực vẫn không đáp ứng 3T
“Vẫn ngưng vì không thể đáp ứng nổi” là câu trả lời buồn bã của ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (chủ thương hiệu cà phê trái cây Meet More), sau gần 1 tuần TP.HCM áp dụng quy định “3T” đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất. Lý do vẫn là không thể tổ chức được bữa ăn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cho chỉ 40 công nhân (CN) đang làm tại xưởng. Bên cạnh đó là chỗ ăn, nghỉ, nhà vệ sinh, nhà tắm..., chưa kể cần có thêm lực lượng quản lý bổ sung nữa. “Quá nan giải và quá khó bởi ngay cả khi cho thêm thời gian để chuẩn bị, tại H.Hóc Môn, nơi nhà xưởng đặt, không “đào đâu” ra chỗ để triển khai lưu trú cho CN”, ông Luận nói.
Trong những ngày qua, công ty cũng đã tính toán đến chuyện chuẩn bị chỗ lưu trú tại chỗ nhưng các đơn vị cung ứng trang thiết bị, đồ vật tư và đội thi công hầu hết đều đã ngưng hoạt động, không thể xây dựng các khu vệ sinh, tắm rửa. “Chưa kể CN cũng lo ngại dịch bệnh, họ còn gia đình, con cái, không chịu ở lại. DN không dám mạo hiểm. Bây giờ chỉ đành chờ chính quyền TP ban hành chỉ thị mới, gỡ khó cho DN hoặc đẩy nhanh tiêm vắc xin cho lực lượng CN sản xuất thì mới có thể trở lại hoạt động được”, Tổng giám đốc Meet More nói thêm.
Tương tự, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty may mặc Dony, cho biết do không đáp ứng kịp nên công ty chọn giải pháp ngưng sản xuất ngay ngày đầu tiên TP quy định. Tuy nhiên, áp lực đơn hàng xuất đi Nhật chỉ còn 2 ngày nữa đã giao quá lớn, công ty chọn giải pháp tổ chức cho vài CN lên làm khâu hoàn thiện đóng gói, cắt chỉ theo phương án 3T trong 2 ngày, lô hàng xuất đi ngày 18.7 là công ty tạm nghỉ luôn.
Đồng cảnh ngộ, Công ty TNHH thương mại quốc tế T-Farm cũng cho biết tạm đóng cửa và đang sẵn sàng phương án cho CN nấu ăn luôn tại bếp ăn của công ty. Thế nhưng rất nhiều CN không chịu ở lại tập trung vì lo sợ lây nhiễm dịch bệnh, nhất là CN nữ. Họ còn phải lo cho gia đình, con cái, mà ở thì không biết đến bao giờ mới được về. “Đành đợi CN được chích ngừa hết cho chắc mà chưa biết đến bao giờ. Khu công nghiệp lên danh sách được 3 tuần rồi nhưng chưa thấy báo lịch tiêm”, ông Lương Nguyên Tâm, Giám đốc T-Farm, sốt ruột. Tuy các đối tác của T-Farm đã đồng ý chờ đơn hàng do nguyên nhân khách quan là thiên tai dịch bệnh, nhưng mỗi ngày nhà máy ngưng sản xuất, DN vẫn gánh thiệt hại rất lớn bởi lương nhân viên vẫn phải trả, chi phí mặt bằng vẫn tính đều. “Tạm đóng cửa, đơn hàng không đi được, nhân viên bị cách ly tại nhà vì chưa chích vắc xin... khổ đủ đường! Mỗi tháng “bay” tiền tỉ là chuyện bình thường của người làm chủ bây giờ!”, vị này cám cảnh.
Nguy cơ đứt gãy, mất thị trường nội địa
Đó là cảnh báo mà theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), “có thể nhìn thấy rất rõ” trong thời gian tới.
Ông Chu Tiến Dũng thông tin, tính đến ngày 20.7, sau 5 ngày TP yêu cầu DN áp dụng tổ chức sản xuất kinh doanh theo phương án 3T để phòng chống dịch, số DN tạm ngưng sản xuất tiếp tục tăng do không thể đáp ứng được các yều cầu mà đoàn kiểm tra liên ngành nêu. Cụ thể, tại Khu công nghệ cao TP.HCM, có 75 DN đăng ký tổ chức sản xuất theo phương án 3T. Ngày chủ nhật (18.7), đoàn kiểm tra có đến 16 DN chưa đạt. Dự kiến số DN không đáp ứng nổi 3T cho dù có “ý chí” muốn sản xuất theo 3T sẽ tăng. Ông Dũng nói: Những tiêu chuẩn về phòng chống dịch đúng chuẩn của HCDC đưa ra rất khó cho mô hình dã chiến. Ví dụ yêu cầu về CN ở sinh hoạt cách nhau 2 m, số lượng phòng tắm, phòng vệ sinh đáp ứng cho bao nhiêu người một nhà vệ sinh... Thực hiện 3T theo hình thức dã chiến, rất nhiều DN gặp khó khăn và không đáp ứng được. Nhiều DN nói đã cách ly 3T, nội bất xuất, ngoại bất nhập, yêu cầu phải xét nghiệm CN thường xuyên gây khó khăn và thêm chi phí cho DN trong khi nhân viên y tế đi lấy mẫu xét nghiệm tại các DN ngày càng thiếu trầm trọng. Ngoài ra, tuy việc kiểm soát vận chuyển hàng hóa, nguyên phụ liệu có cải thiện tích cực hơn, song việc trao quyền cho các khu công nghiệp (KCN) mỗi nơi áp dụng một kiểu khiến DN đã khó càng khó hơn. Chẳng hạn, ngay trong sáng 20.7, một công ty tại KCN Tân Phú Trung phản ánh nơi đây chỉ cho xe tải chở nguyên liệu vào, còn xe bán tải và xe tải nhỏ không cho vào. Trong khi rất nhiều DN sản xuất vận chuyển nguyên liệu tinh, gọn nhẹ toàn dùng xe bán tải hoặc tải nhỏ…
Thống kê sơ bộ cho thấy khoảng 70% DN trong các KCN-KCX đăng ký sản xuất theo phương án 3T với lực lượng công nhân giảm khoảng 30% so với ngày thường do khó khăn tổ chức chỗ ăn ở, chi phí. Đa số “gồng mình” để hoàn tất đơn đặt hàng hoặc làm cho hết nguyên liệu. Kéo dài, họ khó tiếp tục.
“Năm qua, trước khó khăn xuất khẩu vì đại dịch, nhiều DN quay về thị trường nội địa và kết nối sản xuất trong nước khá hiệu quả. Thế nhưng giờ sản xuất phải áp dụng 3T thì khả năng cầm cự của DN có giới hạn. Thế nên, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước là rất rõ. Thị trường bỏ trống sẽ được thay thế bởi hàng nhập khẩu là điều có thể xảy ra. Sản xuất trong nước đối diện nguy cơ mất thị trường nội địa”, ông Dũng phân tích.
Nhiều tỉnh dần ổn định 3TNgay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, từ đầu tháng 7.2021, Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (KCN Giang Điền, H.Trảng Bom, Đồng Nai) đã chủ động tổ chức “3 tại chỗ”, cho CN ăn uống, ngủ tại chỗ để ổn định sản xuất. Ông Lương Ngọc Hồi, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền, cho biết: "Đến nay, chúng tôi đã bố trí cho 1.500/2.000 CN lưu trú tại công ty. Trong số này có nhiều CN hoàn cảnh có con nhỏ, phải gửi cho người quen chăm sóc, còn bản thân vào công ty ở lại". Tương tự, do chủ động từ trước nên đến nay Công ty TNHH Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) cũng đã ổn định sản xuất. Ông Nguyễn Công Đoàn, Giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam, cho biết hiện đã có 83/119 CN lưu trú tại công ty. Đối với những CN lưu trú tại công ty, ngoài việc lo ăn ở, mỗi người còn được công ty cấp thêm 200.000 đồng/ngày, đây là chi phí sinh hoạt, còn tiền lương chưa tính.
Theo ông Phạm Văn Cường, Phó ban Quản lý các KCN Đồng Nai, tính đến ngày 20.7, trên địa bàn đã có hơn 300 DN đã đăng ký phương án “3 tại chỗ”, với khoảng 70.000 CN. Và con số này chắc chắn sẽ tăng trong vài ngày tới vì Đồng Nai đã ra văn bản siết chặt biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể, từ 0 giờ ngày 22.7, DN ở TP.Biên Hòa và các H.Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất phải bố trí phương án “3 tại chỗ” cho người lao động hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” thì mới được hoạt động.
Còn tại Bình Phước, theo thống kê hiện đã có hơn 150 DN tại các KCN đã tổ chức lưu trú cho CN với 20.000 người. Ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước, cho biết: "Hiện các DN đăng ký cho CN lưu trú cơ bản hoạt động ổn định. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Lê Xá, Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, thông tin hiện nay các công ty đóng tại KCN trên địa bàn TX.Phú Mỹ và H.Đất Đỏ hoạt động bình thường do đã có sự chuẩn bị cơ sở vật chất cho CN, người lao động ở lại từ trước.
Ngày 20.7, ông Hà Văn Cung, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, cho biết tính đến nay trên địa bàn có 177 DN với 42.367 CN tại các KCN, khu kinh tế, khu chế xuất đăng ký sản xuất “3 tại chỗ” để phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, có 66 DN với khoảng 95.752 CN đã đăng ký tạm dừng hoạt động do không bảo đảm điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” theo quy định.
Lê Lâm - Hoàng Giáp - Nguyễn Long - Giang Phương
|
Bình luận (0)