Doanh nghiệp muốn ‘khai tử’ cũng khó

16/01/2014 01:53 GMT+7

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15.1, dự thảo luật Phá sản vẫn gây nhiều tranh cãi về thẩm quyền, thủ tục làm thế nào để nhanh chóng cho các doanh nghiệp đang dừng hoạt động, đã giải thể được khai tử.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15.1, dự thảo luật Phá sản vẫn gây nhiều tranh cãi về thẩm quyền, thủ tục làm thế nào để nhanh chóng cho các doanh nghiệp đang dừng hoạt động, đã giải thể được khai tử.

Doanh nghiệp muốn ‘khai tử’ cũng khó
Minh họa: DAD

Bỏ hạn mức nợ trong quy định cho phá sản

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), năm 2013 có 60.737 doanh nghiệp (DN) dừng hoạt động kinh doanh, tăng 11,9% so với năm 2012. Cụ thể, DN đã giải thể là 9.818, tăng 4,9%; DN đăng ký tạm ngừng hoạt động 10.803, tăng 35,7%; DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký lại 40.116, tăng 8,6% so với 2012.

Số lượng DN dừng hoạt động, giải thể tăng nhanh càng khiến vai trò của luật Phá sản trở nên quan trọng.

Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (QH) diễn ra vào cuối năm 2013, không ít đại biểu bày tỏ ý kiến không đồng tình với nhiều nội dung dự thảo luật. Đơn cử, như việc ban soạn thảo quy định DN không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. Trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH (UBTV) đã tiếp thu bỏ hạn mức chỉ quy định “chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN, HTX khi không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu”.

9 năm mới có 83 doanh nghiệp phá sản

Sau 9 năm áp dụng (từ 2004), luật Phá sản đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, dẫn đến thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản nhưng con số yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản theo đúng luật thì lại rất thấp. Cụ thể, tòa án thụ lý 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, chỉ có 83 trường hợp được tòa án quyết định tuyên bố phá sản.

Về thời gian tuyên bố phá sản, các ủy viên UBTV có sự đồng thuận cao với dự thảo luật với ba trường hợp tuyên phá sản.

Thứ nhất, DN bị phá sản trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tòa án gửi giấy báo nếu chủ DN nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không còn tiền và tài sản khác để nộp tiền lệ phí, tạm ứng phí phá sản thì tòa sẽ ra quyết định tuyên bố DN bị phá sản. Hoặc, sau khi thụ lý đơn yêu cầu, tòa án ra quyết định nếu DN mất khả năng thanh toán không còn tài sản hoặc còn nhưng không đủ để thanh toán phí phá sản.

Thứ hai, đối với trường hợp các chủ nợ tổ chức hội nghị nhưng bất thành: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp Hội nghị chủ nợ (HNCN), thẩm phán ra quyết định tuyên bố DN phá sản khi chủ DN không tham gia HNCN mà không có lý do chính đáng. Hoặc không đủ số chủ nợ quy định tham gia HNCN sau khi đã được hoãn một lần.

Thứ ba, trong trường hợp HNCN thành công và ra được nghị quyết, dự thảo quy định trong 15 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết phá sản, thẩm phán xem xét quyết định tuyên bố phá sản. Khi HNCN thông qua nghị quyết đồng ý cho DN cơ cấu lại để hồi phục trả nợ nhưng tòa vẫn có thể tuyên phá sản nếu DN không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn quy định. Hoặc HNCN không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của DN. Kể cả khi DN thực hiện không đúng hoặc không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

Tòa nào xử DN phá sản ?

Thế nhưng, vấn đề gây tranh luận là tòa nào và cấp nào sẽ xử DN phá sản?

Dự thảo luật đưa ra quy định chỉ TAND cấp tỉnh trở lên mới đủ thẩm quyền. Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện QH, Nguyễn Đức Hiền, cho rằng mấy chục năm qua bản thân ông không hiểu vì sao bao nhiêu vụ việc cứ phải giao cho TAND cấp tỉnh, mà lại cứ chê trình độ thẩm phán tại tòa cấp huyện.

Ông Hiền tỏ ra gay gắt: “Làm luật phải nghĩ đến quyền lợi của người dân, các huyện vùng sâu vùng xa đi lại rất khó khăn, không nên chỉ nghĩ đến thuận lợi cho người làm luật”.

Tự nhận mình là kẻ ngoại đạo, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị được giải thích tại sao trong dự thảo luật do TAND chủ trì - tòa là vị trí trung tâm xét xử các vụ án lại không thấy chữ nào về xét xử hay tuyên án, lại đưa toàn từ “giải quyết” thủ tục, thủ tục phục hồi vào. Ông cũng không hài lòng khi vai trò, vị trí của tòa trong dự thảo không rõ ràng. Bởi dù tòa hình sự, tòa kinh tế hay tòa dân sự mỗi tòa thụ lý một lĩnh vực, nhưng trong dự thảo không ghi rõ tòa nào xử thủ tục phá sản. Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhắc nhở cần phải rõ ràng khi trong dự thảo có chỗ ghi quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản của tòa án, nhưng chỗ khác lại nói sau khi “Bản án quyết định có hiệu lực của tòa...”.

Ngân hàng cũng có thể bị đóng cửa

Một nội dung rất mới của dự thảo luật là việc áp dụng các quy định về thủ tục phá sản của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo dự thảo cứ khi nào Ngân hàng nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán thì trong vòng 15 ngày tòa có quyền tuyên phá sản.

Thứ tự phân chia tài sản, tiền gửi, tiền vay... khi ngân hàng phá sản theo quy định, đầu tiên sẽ là các khoản TCTD được vay đặc biệt của ngân hàng nhà nước, TCTD khác phải hoàn trả trước khi thực hiện việc phân chia tài sản. Tiếp đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản, người gửi tiền, tài sản tại ngân hàng phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và các hồ sơ giấy tờ liên quan với chấp hành viên để nhận lại tài sản của mình. Trong trường hợp có tranh chấp thì yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phá sản có lợi hơn các hình thức ngưng hoạt động khác

Phải có chế tài mạnh với doanh nghiệp bị yêu cầu phá sản

Qua gần 10 năm, TAND Hà Nội chưa tuyên được vụ phá sản nào theo đúng trình tự của luật Phá sản năm 2004. Trong hàng loạt nguyên nhân, thì nguyên nhân lớn nhất là việc thanh lý tài sản đặt ra yêu cầu tổ quản lý và thanh lý tài sản phải đi thu hồi tài sản về, sau đó tòa mới tuyên phá sản. Trên thực tế, một DN phá sản có hàng trăm, hàng ngàn con nợ khác nhau nên tổ quản lý và thanh lý tài sản vốn ít người, không có chuyên môn sâu, hoạt động không thường xuyên nên gặp rất nhiều trong việc  xem xét các khoản nợ. Một vướng mắc chúng tôi thường gặp là bên bị yêu cầu phá sản thường có thái độ không hợp tác, tức là họ không nộp tài liệu chứng cứ để tòa xem xét. Thậm chí có DN còn thách: “Đố tòa phá sản được tôi”, do không có chế tài nên chúng tôi cũng đành bó tay.

Luật sửa đổi cần đưa ra các chế tài xử lý đối với DN có đơn yêu cầu phá sản mà không thực hiện yêu cầu của tòa.

Luật sư Phạm Tuấn Anh
nguyên Chánh tòa Kinh tế TAND Hà Nội

Cần đơn giản hóa thủ tục

So với các hình thức ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh khác, hình thức tuyên bố phá sản có lợi hơn. Khi DN phá sản là coi như mất khả năng thanh toán. Khoản nợ của DN được xử lý trong phần tài sản còn lại sau khi được phát mãi. Trường hợp tài sản phát mãi không đủ trả khoản nợ cho các chủ nợ thì thôi. Thế nhưng vừa rồi có DN rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ nhưng lại không chọn hình thức phá sản vì thủ tục phá sản rườm rà, mất nhiều thời gian. Hơn nữa uy tín của người điều hành của DN này còn giảm sút. DN “sống” cũng như “chết”, “chết” nhưng không chôn được là vậy. Vì vậy, cần đơn giản hóa thủ tục để DN phá sản dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Thái Sơn
Giám đốc Công ty CP thuế Sài Gòn

Thái Sơn - Thanh Xuân (ghi)

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.