Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, kể từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao. Kim ngạch hai chiều từ mức 1,4 tỉ USD vào năm 2001 (là thời điểm trước khi Hiệp định BTA có hiệu lực) đã lên 58,8 tỉ USD vào cuối năm 2018. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này đã đạt 35,4 tỉ USD. Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 trong năm 2018 lên vị trí thứ 9 ngay trong đầu năm 2019 trong danh sách các nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ. Đồng thời Việt Nam cũng trở thành thị trường lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ.
Cơ hội khi xung đột thương mại toàn cầu diễn ra đã buộc các tập đoàn quốc tế lớn, trong đó có Mỹ phải xem xét lại chiến lược nguồn cung của mình. Vì vậy nhiều quốc gia có năng lực cung ứng tốt có cơ hội tự nhiên để mở rộng đầu tư, sản xuất và xuất khẩu.Tuy nhiên khó khăn hiện tại đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là sự hiểu biết về hệ thống pháp luật các cấp của Mỹ còn ít; xu hướng tăng cường bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm...
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Amcham tại Việt Nam - nhận định xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng nó lại tạo ra cơ hội cho Việt Nam khi các tập đoàn phải đa dạng hóa nguồn cung của họ. Hiện xung đột có xu hướng gia tăng đã ảnh hưởng đến tất cả doanh nghiệp và cả hệ thống kinh tế thế giới. Không ai có thể dự đoán được khủng hoảng này khi nào kết thúc.
Các doanh nghiệp của Mỹ tại Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất. Điều đó khiến các doanh nghiệp Mỹ phải tìm kiếm nguồn cung tại Việt Nam nhiều hơn khi thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc. Đồng thời có thể họ phải chuyển dịch các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Amcham đang chào đón cơ hội này.
Việt Nam vẫn còn lợi thế về nguồn nhân công chi phí thấp, môi trường kinh doanh, cải cách giáo dục đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực cho các tập đoàn quốc tế. Bên cạnh đó, các thỏa thuận thương mại của Việt Nam và các nước cũng tạo ra các hoạt động kinh doanh nhiều hơn. Việt Nam từng bước có thể tạo ra được lợi thế cạnh tranh của mình, việc hiện đại hóa cắt giảm được các chi phí trong thương mại và từ đó tiếp cận được nhiều thị trường mới hơn. "Chúng tôi hy vọng môi trường kinh doanh được cải thiện nhiều hơn nữa ở các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai nước. Các hoạt động của Amcham nhằm thúc đẩy Việt Nam trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Mary Tarnowka nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Mary Tarnowka cũng cho rằng bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận thị trường Mỹ trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Hiện nay một số vấn đề cần được xem xét như năng lực cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam cũng như nhiều khó khăn khác về hạ tầng... làm sao được cải thiện để đáp ứng được nhu cầu dịch chuyển này.
Bình luận (0)