Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ. Bà Burns nhắc lại nhận xét của Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper cho rằng quan hệ song phương trên thực tế đã đạt được tầm chiến lược.
"Khi tôi nhìn vào quan hệ hợp tác kinh tế và chiều sâu quan hệ kinh tế mà chúng ta đang có, và khi chúng ta nói về kim ngạch thương mại song phương vào khoảng 113 tỉ USD trong năm 2021, đó là con số đáng kể. Bên cạnh đó, việc Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cho thấy tầm cỡ liên kết và hợp tác kinh tế giữa hai nước", Tổng lãnh sự cho biết.
Bên cạnh kỳ vọng nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện lên tầm chiến lược trong năm nay, bà Burns đồng thời đề cập đến những chuyển động tại khu vực. Trong phạm vi Đông Nam Á, tháng 11.2022, tại Phnom Penh (Campuchia), Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Mỹ và ASEAN. Đây là lần thứ 3 ông Biden tương tác với các lãnh đạo ASEAN trên cương vị tổng thống. Theo bà Burns, Mỹ đang làm sâu sắc hơn quan hệ và sự gắn kết với ASEAN.
Mở rộng hơn nữa, ngày 13.2 cũng đánh dấu một năm kể từ khi Nhà Trắng triển khai chiến lược mới về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), khi mà Washington cam kết cung cấp nhiều nguồn lực ngoại giao và an ninh hơn cho khu vực này.
Tổng lãnh sự gọi chiến lược trên là một khung hành động hoặc kiến trúc tổng thể cho sự gắn kết của Mỹ tại Indo-Pacific. Kiến trúc này bao trùm nhiều lĩnh vực, từ an ninh đến hợp tác kinh tế, từ chuỗi cung ứng toàn cầu đến năng lượng sạch. Từ đây, các sáng kiến tầm khu vực có nền tảng để khởi động và mở ra những hướng hợp tác mới. Khuôn khổ kinh tế Indo-Pacific vì thịnh vượng (IPEF) là một minh chứng điển hình, và bà Burns nhận định Việt Nam hết sức cam kết thực thi khuôn khổ đó.
Năm bận rộn cho quan hệ Việt - Mỹ
Bà Burns cũng đề cập đến chuyến thăm Việt Na của Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, kết thúc hôm nay (15.2). Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bà Tai trên cương vị Đại diện thương mại Mỹ, mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ.
"Chuyến thăm của đại diện cấp cao nhất của thương mại Mỹ vào đầu năm 2023 cho thấy phần chiến lược trong quan hệ mà chúng ta đang hướng đến. Vì thế, tôi nghĩ rằng đây là một năm thật sự bận rộn và đầy hứng khởi", Tổng lãnh sự Mỹ cho biết.
Chuỗi cung ứng mới sau đại dịch: Việt Nam cần gì để củng cố vị trí?
Bà kể lại mỗi tuần lại có công ty Mỹ đề cập sẽ đầu tư ở nơi này, nơi kia ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, để thực sự nắm bắt được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng ổn định và đa dạng, Tổng lãnh sự cho rằng Việt Nam cần phải đào tạo đội ngũ lao động tay nghề cao, xây dựng lực lượng lao động có năng lực, đủ sức làm việc trong môi trường chuyên môn cao.
"Theo tôi, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn chuyển tiếp trong vài năm tới để trở thành một nền kinh tế có tay nghề và chuyên môn cao", bà Burns dự báo và nhận xét Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng đó.
Về cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại TP.HCM, Tổng lãnh sự cho hay mối quan tâm đối với TP này đang ngày càng gia tăng, đặc biệt ở khía cạnh đầu tư. Dù có lẽ năm 2023 sẽ tiếp tục thách thức, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư Mỹ nhìn nhận TP.HCM và Việt Nam vẫn có triển vọng mạnh mẽ trong dài hạn.
Trong năm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ, bà Burns dự báo năm nay sẽ chứng kiến nhiều chuyến thăm cấp cao, cụ thể sẽ diễn ra trong vòng vài tháng tới.
Những ưu tiên trong nhiệm kỳ
Tổng lãnh sự Mỹ cũng dành thời gian chia sẻ những ưu tiên trong nhiệm kỳ ở TP.HCM. Theo bà, bên cạnh nỗ lực thúc đẩy thương mại, bà muốn tập trung vào mảng năng lượng tái tạo và môi trường. Đồng thời, mảng năng lượng tái tạo dự kiến sẽ chiếm phần quan trọng trong nghị trình làm việc của Tổng lãnh sự trong nhiệm kỳ ở TP.HCM.
Bình luận (0)