Không chỉ giới doanh nghiệp Trung Quốc tích nợ khủng, các công ty Mỹ cũng đang có cả núi vấn đề trên, trang Business Insider trích dẫn báo cáo mới nhất của hai chuyên gia Andrew Chang và David Tesher của hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cho biết.
“Sự mất cân đối giữa tiền mặt và dư nợ chúng tôi đã chỉ ra vào năm ngoái vừa trở nên tồi tệ hơn: dư nợ tăng gấp 50 lần so với mức tăng tiền mặt trong năm 2015. Tổng số nợ tăng thêm gần 850 tỉ USD, lên mức 6.600 tỉ USD vào năm ngoái làm lung lay mức tăng trưởng tiền mặt 1% (17 tỉ USD)”.
Chang và Tesher cũng cho hay 1.840 tỉ USD tiền mặt mà hơn 2.000 doanh nghiệp họ phân tích đang nắm giữ cũng là lượng tiền mặt lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, núi tiền mặt đó không đủ che giấu núi nợ thậm chí còn lớn hơn nhiều.
Theo hai chuyên gia, sự phân phối tiền mặt và nợ giữa các công ty được họ nghiên cứu còn đáng lo hơn. “Loại bỏ 25 doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt nhất còn cho ra một bức tranh ảm đạm hơn: tổng nợ tăng 730 tỉ USD năm 2015, trong khi tiền mặt giảm 40 tỉ USD”, Chang và Tesher viết.
Tiền mặt không phải là cách duy nhất để trả nợ. Nếu cần, các doanh nghiệp có thể thanh lý tài sản hoặc tái cấp tài chính để trả tiền cho chủ nợ. Song đây là những phương án ít được ưu ái vì làm thế đồng nghĩa với việc công ty vướng vào rắc rối lớn hơn.
Một trong những yếu tố chính được hãng S&P dùng để xác định xếp hạng tín dụng của một công ty là khả năng trả nợ. Vì vậy, tỷ lệ tiền mặt so với nợ tương đối quan trọng.
Hai chuyên gia của S&P cho rằng tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp Mỹ có thể tăng lên trong vài năm tới, đặc biệt là khi tăng trưởng kinh tế Trung quốc giảm đi, giá cả hàng hóa và năng lượng toàn cầu yếu.
tin liên quan
'Tất cả chúng ta đều cần lo về nợ Trung Quốc'Laurence D. Fink, nhà sáng lập kiêm CEO hãng quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock vừa cho hay “tất cả chúng ta đều cần lo lắng” về đống nợ của Trung Quốc.
Bình luận (0)