Doanh nghiệp nào được lùi đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2023?

19/09/2023 15:41 GMT+7

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang vừa ký quyết định về việc lùi đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng đến ngày 31.12.2023.

Theo quyết định, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đồng ý cho doanh nghiệp bị giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm ngày 1.1.2023 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31.12.2023.

Những doanh nghiệp nào được lùi đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2023? - Ảnh 1.

Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã cắt giảm hơn 9.000 lao động kể từ đầu năm đến nay

NHẬT THỊNH

Tổng LĐLĐ Việt Nam giao Ban Thường vụ LĐLĐ các tỉnh, thành phố; công đoàn ngành T.Ư và tương đương; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định cho doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được lùi đóng kinh phí công đoàn đến ngày 31.12.2023.

Theo nhận định của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, làn sóng sa thải lao động vẫn sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm. Cùng với việc cắt giảm nhân lực của các doanh nghiệp, xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần chưa dừng lại.

Để hạn chế tình trạng này, Ban IV đề xuất giải pháp trước mắt là cho phép doanh nghiệp, lao động không phải thu nộp kinh phí công đoàn cho công đoàn cấp trên mà được giữ lại để hỗ trợ người lao động đến hết năm 2024.

Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1% (tức giảm 50% kinh phí công đoàn) và giãn thời hạn nộp kinh phí trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu để tiếp tục triển khai thực hiện đến hết năm 2023 chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT, Quyết định 6696/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Trong tháng 8, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã ban hành quyết định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Đối tượng hỗ trợ là đoàn viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 1.4 bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Mức hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn từ 1 - 3 triệu đồng. Người lao động không là đoàn viên công đoàn được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với người lao động là đoàn viên công đoàn.

Theo luật Công đoàn 2012, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Kinh phí công đoàn được sử dụng cho các mục đích như: tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch cho người lao động; hỗ trợ người lao động trong các trường hợp khó khăn, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, hỗ trợ cộng đồng; quản lý và phát triển công đoàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.