Doanh nghiệp, người dân là trọng tâm chuyển đổi số

12/12/2021 06:23 GMT+7

Chiều 11.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số VN lần 3 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”, do Bộ TT-TT tổ chức.

Yêu cầu khách quan và mang tính toàn cầu

Diễn đàn năm nay gồm 2 phiên thảo luận chính là doanh nghiệp (DN) công nghệ số với chuyển đổi số quốc gia, và DN công nghệ số với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong, sau đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ số VN

GIA HÂN

Thể hiện sự xúc động khi chứng kiến những quyết tâm chuyển đổi số quốc gia mạnh mẽ, Thủ tướng cũng đề nghị khi đến diễn đàn năm sau, phải có được nhiều hơn các sản phẩm về số lượng, chất lượng phải cao hơn và người dân phải được lợi hơn.

Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và mang tính toàn cầu. Dù vậy, chuyển đổi số phải tiếp cận toàn dân. Người dân và DN phải là chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách phải hướng tới người dân và DN. Đồng thời, chuyển đổi số phải thể hiện được tinh thần dân tộc. “Dân tộc ta có cái hay là càng khó khăn, phức tạp, thách thức càng đoàn kết, phấn đấu đi lên để khẳng định mình, đó là cơ hội để phát triển. Dân tộc không thể tách rời thời đại và mối quan hệ quốc tế được. Ta xác định tự lực tự cường là chính để vươn lên, nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng đặt hàng chuyển đổi số phải tham gia thúc đẩy phát triển từ chiều rộng đến chiều sâu, tái cơ cấu lại nền kinh tế; phòng chống Covid-19; tập trung phát triển nguồn nhân lực số, cơ sở dữ liệu; chuyển đổi số trong các lĩnh vực như ngân hàng, đất đai, logistics...

“Doanh nghiệp cần gì thì phải đề xuất, Chính phủ sẽ trả lời, cần cơ chế chính sách gì, nếu thuộc thẩm quyền thì Chính phủ sẽ xử lý, vượt thẩm quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo. Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ giữa nhà nước, người dân và DN”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đáp lại, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Thủ tướng hãy tin vào người VN, trí tuệ VN. Năm sau ngày này Thủ tướng đến đây mà không nhìn thấy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số, các sản phẩm do DN công nghệ số VN làm ra giúp cho người dân hạnh phúc, đất nước phát triển, tôi xin phép từ chức”.

VN đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ

Trước đó, phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, doanh thu của các DN số vẫn tăng trưởng gần 10%. Doanh thu của cộng đồng này năm 2021 ước đạt trên 135 tỉ USD.

Theo ông Hùng, VN gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Chỉ cần thêm một cú hích là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm, dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các DN công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các DN công nghệ số VN cũng bày tỏ nhiều đề xuất về chính sách. Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy định về việc sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ theo hướng tăng tính tự chủ cho DN. “Mỗi năm Viettel có khoảng 4.000 tỉ đồng để nghiên cứu khoa học, nhưng vì cơ chế rất khó nên chỉ tiêu được khoảng 700 tỉ đồng”, ông Dũng nói. Ngoài ra, cần có các chính sách đặc thù cho sản phẩm công nghệ Make in Vietnam tại thị trường nội địa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.