Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cũng như hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022.
Theo đó, đến cuối năm 2022 có 827 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước, trong đó 478 đơn vị do Nhà nước giữ 100% vốn, 198 doanh nghiệp Nhà nước giữ 50% vốn; còn lại 151 doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước.
Trong số 676 doanh nghiệp nhà nước (có vốn nhà nước từ 50% trở lên), tổng tài sản tới hết năm 2022 là gần 3,82 triệu tỉ đồng (chiếm hơn 97,4% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước), tăng 4% so với 2021. Vốn chủ sở hữu tăng 3% so với 2021, đạt hơn 1,8 triệu tỉ đồng.
Giá trị vốn nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước là hơn 1,71 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với 1 năm trước đó. Tổng doanh thu đạt 2,64 triệu tỉ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Các doanh nghiệp này ghi nhận lãi trước thuế tăng 24% so với 2021, đạt 241.165 tỉ đồng.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, khoảng 9% doanh nghiệp nhà nước có lỗ phát sinh, khoảng 29.456 tỉ đồng. 21% doanh nghiệp còn lỗ lũy kế, hơn 69.890 tỉ đồng.
Tổng nợ phải trả hơn 1,98 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với 2021; trong đó nợ ngắn hạn chiếm 55%.
Chính phủ đánh giá, năm 2022, các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu phát triển trở lại sau dịch Covid-19. Một số công ty mẹ có tổng doanh thu tăng hơn 50% so với 2021. Lãi trước thuế tăng 22%, đạt 186.811 tỉ đồng.
Nhận xét về các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cho rằng, các đơn vị này đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Điều này thể hiện qua dữ liệu tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động đều tăng.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.
Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định tới hỗ trợ nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả. Một số dự án đầu tư chậm tiến độ...
Doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự có quyền tự chủ
Nguyên nhân dẫn đến hạn chế là do doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn. Còn tư tưởng chưa muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao, làm tiến độ thoái vốn chậm lại.
Báo cáo cũng đề cập nguyên nhân là tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất, dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.
Một số vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau nhưng chậm được tổng kết thực tiễn, kết luận để có thể cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ vấn đề vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề trao quyền tự chủ hay sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ điều tiết kinh tế...
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách quản lý với doanh nghiệp nhà nước còn bất cập, chưa tạo điều kiện phát huy tính chủ động trong sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự có quyền tự chủ theo cơ chế thị trường.
Để phát huy đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào nền kinh tế, Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, như sửa luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để có khung khổ pháp lý trong đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chính phủ cũng nhấn mạnh, các dự án đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính sẽ được giải quyết dứt điểm, nhằm đảm bảo cho các tập đoàn, tổng công ty tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Bình luận (0)