Doanh nghiệp, nông dân cần thoát khỏi tư duy mua đứt, bán đoạn

27/04/2023 20:21 GMT+7

Doanh nghiệp, nông dân cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn, ép qua, ép lại, thay vào đó là tạo niềm tin để hình thành quan hệ bền chặt, hợp tác đường dài.

Đó là gợi mở của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt" diễn ra tại TP.Cần Thơ chiều 27.4.

Hội thảo do Bộ NN-PTNT và Báo Người Lao Động phối hợp UBND TP.Cần Thơ tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều địa phương, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, nông dân.

Mục tiêu của hội thảo là nhận diện thực trạng của ngành sản xuất - chế biến nông - thủy sản; bàn giải pháp phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững với những sản phẩm có tính cạnh tranh cao ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Từ đó kỳ vọng mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp, nông dân cần thoát khỏi tư duy mua đứt, bán đoạn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng GS.TS Võ Tòng Xuân và Tổng biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân chủ trì hội thảo

ĐÌNH TUYỂN

Nông dân, doanh nghiệp "ép qua, ép lại"

Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông - lâm - thủy sản với năng lực sản xuất đạt trên 140 triệu tấn/năm nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu thô nên giá trị thu về chưa tương xứng tiềm năng. Ở thị trường trong nước, sản phẩm nông nghiệp nhiều thời điểm rơi vào tình trạng "được mùa rớt giá", người nông dân có thu nhập bấp bênh. 

Nhận xét về thực trạng này, GS.TS Võ Tòng Xuân, cho rằng được mùa rớt giá và ngược lại và câu chuyện giải cứu nông sản là thực trạng rất cần suy nghĩ. Theo GS Xuân, một trong những vấn đề tồn tại lớn của hàng hóa nông, thủy sản của Việt Nam là thiếu sức cạnh tranh, thậm chí ngay trên "sân nhà".

Doanh nghiệp, nông dân cần thoát khỏi tư duy mua đứt, bán đoạn - Ảnh 2.

Sản phẩm nông - thủy sản ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa phát huy hết tiềm năng

ĐÌNH TUYỂN

Nguyên nhân chính là chưa phát huy được liên kết sản xuất. Các hợp tác xã (HTX) sản xuất hiệu quả còn rất ít. Mối liên kết nông dân với doanh nghiệp lại rất lỏng lẻo khi có tới 70% nông dân vẫn thích làm ăn riêng lẻ, đất đai manh mún và làm theo ý mình. "Chính vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều thường ép qua, ép lại và chuyện "bẻ kèo" nhau cũng thường xuyên xảy ra. Còn doanh nghiệp khi cần có sản lượng lớn nguyên liệu đồng nhất, chất lượng cao, sạch, ngon liền gặp khó, không thể đáp ứng được", GS Xuân nói.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, thông tin thời gian qua Cần Thơ rất quan tâm chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân trong việc liên kết tiêu thụ nông, thủy sản. Tuy nhiên, đến nay chỉ có mặt hàng cá tra là có tỷ lệ hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ khá cao trên 90%, còn lúa gạo và các loại rau màu, cây ăn trái chỉ đạt khoảng 30%. Nguyên nhân vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều; nông dân sản xuất tự phát bất chấp cung cầu. 

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết thực tế câu chuyện được mùa rớt giá, được giá mất mùa không phải riêng của một tỉnh nào. Ở đây có trách nhiệm của địa phương, nhưng cũng là khó khăn chung của ngành nông nghiệp các địa phương. 

Ông Lê Tấn Cận, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, nhận định là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của cụm sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ tôm của vùng ĐBSCL, Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng đề án Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp còn bất cập về phương thức đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm, quy mô sản xuất thủy sản chủ yếu là kinh tế hộ, còn manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng sản xuất chưa đủ lớn, tập trung. Chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Cần thoát khỏi tư duy mua đứt, bán đoạn

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta đang nói nâng tầm nông thủy sản nhưng khó khăn ở chỗ một nền nông nghiệp đa phần nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và không phải lúc nào liên kết với nông dân cũng suôn sẻ. Cũng chính vì sản xuất manh mún nên cũng phát sinh nhiều vấn đề như chất lượng sản phẩm không đồng đều, chi phí cao, tự phát, xung đột, cạnh tranh lẫn nhau. Sẽ rất khó để một địa phương mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nếu không trả lời được câu hỏi mua nguyên liệu ở đâu? Tỉnh có cam kết nông dân giữ chữ tín trong hợp đồng bao tiêu không? Để có được lời giải, mấu chốt là phải tổ chức lại sản xuất, ngành hàng, nông dân.

Doanh nghiệp, nông dân cần thoát khỏi tư duy mua đứt, bán đoạn - Ảnh 4.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, doanh nghiệp, nông dân cần phải bỏ chuyển từ tư duy thuận mua vừa bán sang tư duy hợp tác đường dài

ĐÌNH TUYỂN

"Chúng ta cần thoát khỏi tư duy thuận mua vừa bán, mua đứt bán đoạn mà phải hình thành niềm tin cho nông dân, phát huy vai trò dẫn dắt để hình thành hệ sinh thái xung quanh giữa doanh nghiệp và nông dân. Có một kiểu tư duy rất đáng ngại là nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Đó là những tư duy rất ngắn cần phải được thay đổi sang tư duy hợp tác đường dài. Ở đó, từ khóa HTX phải là cốt lõi của mối liên kết. Tôi mong rằng mỗi doanh nghiệp cùng ngồi lại, chuyển từ tư duy thuận mua vừa bán sang tư duy hợp tác đường dài. Các hiệp hội ngành hàng rau củ quả, thuỷ sản cũng phải thật sự trở thành một hiệp hội cùng kiến tạo không gian phát triển với địa phương từng vùng, kết nối doanh nghiệp, nông dân thành một khối liên kết bền chặt để cùng nhau đi xa hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.