"Thua" nếu phải cạnh tranh đất đai với công nghiệp
Quản lý một doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành xuất khẩu rau quả, liên kết sản xuất với nông dân trải khắp nước từ Tây Bắc, miền Trung, Tây nguyên song ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Công ty Đồng Giao vẫn không khỏi lo lắng vì sự bấp bênh của các vùng nguyên liệu đầu vào. Ông dẫn chứng, để quy hoạch được một vùng trồng mơ, chuối, dứa..., DN mất rất nhiều thời gian, công sức. Thế nhưng, nếu vùng đó mà có một dự án công nghiệp chen vào thì đất đó rất dễ bị lấy lại để ưu tiên cho xây khu công nghiệp, nhà máy. "Tất nhiên sản phẩm nào xuất khẩu được cũng đáng quý, nhưng nếu một chiếc điện thoại bán được 10 đồng thì VN chỉ được hưởng lợi 2 đồng, còn 10 đồng xuất khẩu rau quả chúng tôi đem về cho người nông dân 7 - 8 đồng. Có điều nếu phải cạnh tranh đất đai với một dự án công nghiệp thì chúng tôi thua", ông Khuê chua chát.
|
Tương tự, theo doanh nhân này, để vận động người dân chuyển một diện tích nhất định từ đất lúa sang trồng cây ăn quả có khi phải xin lên Chính phủ. Nhưng rồi cũng diện tích đã trồng cây ăn quả đó sang làm nhà máy thì chỉ cần lãnh đạo địa phương duyệt là xong. Cho nên, ông Khuê cho rằng đối với những nơi trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao thì nhà nước cần khuyến khích phát triển thay vì cứ trải thảm mời các dự án công nghiệp. Nhiều sản phẩm của DN này đã xuất khẩu rất ổn định sang thị trường Nhật, Mỹ, EU với doanh số hàng chục triệu USD/năm song ông Khuê khẳng định điều lo ngại tới đây không phải là vấn đề mở rộng thị trường nữa mà làm sao có đủ nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.
Tương tự, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex với doanh số xuất khẩu cả tỉ USD/năm đi 90 quốc gia, cũng hết sức băn khoăn về chiến lược với ngành điều, cà phê - những mặt hàng mà VN đều có kim ngạch xuất khẩu tỉ USD. Ông Nam nêu ví dụ, dù là nước xuất khẩu điều nhưng năm qua VN không đủ nguyên liệu trong nước nên chủ yếu phải nhập điều thô. "Nếu vài năm trước giá điều nguyên liệu trong nước chỉ 12.000 đồng/kg thì nay mua 30.000 đồng người dân vẫn không có mà bán vì... cây đã chặt hết. Tương tự, bây giờ tôi hỏi tất cả DN chế biến cà phê lớn của châu Âu rằng họ có muốn nhập hàng từ VN không thì họ đều bảo... nếu không nhập sẽ lỗ. Tuy nhiên, lên Tây nguyên hỏi nông dân có tái canh cây cà phê không thì nhiều người lắc đầu", ông Nam nói và hướng về phía Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt câu hỏi: Không rõ chiến lược của Bộ tới đây với các ngành hàng tỉ USD này ra sao?
Trong khi đó, nhiều DN xuất khẩu khác tiếp tục bày tỏ lo ngại về tình trạng các nước đang lấy lý do phân bón giả được dùng nhiều trong các vùng trồng rau, quả để gia tăng các hàng rào kỹ thuật với hàng VN và kiến nghị phải siết lại thị trường phân bón.
|
Đất, vốn, khoa học công nghệ
Tại hội nghị, bà Ba Huân (DN Ba Huân) cho biết vừa đầu tư nhà máy xử lý trứng sạch tại H.Phúc Thọ (Hà Nội) và mong muốn được đầu tư một hệ thống khép kín từ cung cấp giống, thức ăn đến bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân phía bắc như đã thành công tại miền Nam. Tự nhận mình trình độ có hạn vì đi làm nông dân từ 16 tuổi tới nay, song bà Ba Huân mong mỏi người đứng đầu ngành nông nghiệp quan tâm xây dựng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế tình trạng nhập khẩu dễ dãi các mặt hàng trong nước có thể làm tốt để thúc đẩy sản xuất trong nước, DN mặn mà đầu tư vào nông nghiệp.
Một khó khăn khác, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, qua khảo sát mới đây cho thấy hiện các DN nông nghiệp than phiền nhiều nhất là tiếp cận đất đai, vốn và khoa học công nghệ. Cụ thể, 63,5% DN gặp khó khi thuê đất và 46% kêu đặc biệt khó khi muốn thuê đất với diện tích lớn. 70% công ty được hỏi nói khó tiếp cận tín dụng và 49% kêu vô cùng khó. Dẫn số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ông Tuấn cho biết hiện tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước với nông nghiệp chỉ ở mức 7%, trong khi mức này của Trung Quốc là 20% còn Nhật Bản, Hàn Quốc trên 50%.
Thế nhưng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng các chính sách không hề thiếu. "Có điều chính sách nhiều mà vẫn ít người đầu tư vào nông nghiệp thì chứng tỏ vẫn tắc", Bộ trưởng thừa nhận. Theo ông Cường, buổi đối thoại này ông thu lượm được rất nhiều từ phản ánh vướng mắc tới gợi mở chính sách nên tới đây sẽ tổ chức thêm nhiều đối thoại chuyên đề với từng ngành hàng để tháo gỡ vừa có tính hệ thống, vừa cụ thể. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đưa ra rất nhiều cam kết về hỗ trợ DN. Ví dụ, trong tháng 12 ngành nông nghiệp sẽ làm việc với Bộ KH-CN về các chính sách giúp DN tiếp cận khoa học, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển công nghệ chế biến. Hay mời đích danh một số DN khó khăn trong tiếp cận vốn làm việc với hệ thống ngân hàng… "Tuần tới tôi cũng sẽ làm việc với Công sứ Nhật Bản để bàn về mở cửa thị trường một số mặt hàng. Trứng cũng là sản phẩm hoàn toàn vào Nhật được nên mời chị Ba Huân cùng tham dự", Bộ trưởng nói.
Vai trò kiến tạo, cầu nối của cơ quan nhà nước
"Có điều thực tế, từ liên kết nông dân với DN, DN với các viện nghiên cứu nhà nước, rồi DN với chính DN thì cứ hô hào nhưng làm thật thì không thấy. Sau một hội nghị, Chính phủ, Bộ bảo tăng cường liên kết ai cũng ủng hộ, nhưng đến khi chúng tôi về mời các DN ngồi lại với nhau thì họ không đến, rút cuộc chỉ có nông dân với mấy ông khuyến nông... Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò kiến tạo, cầu nối của cơ quan nhà nước trong xây dựng mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp".
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình
|
Bình luận (0)