Theo ông Đinh Nho Bảng, xu hướng tiêu dùng vàng dịch chuyển từ mục đích tích trữ sang thời trang, làm đẹp. Do đó, các phân khúc sản phẩm trung và cao cấp còn nhiều dư địa tăng trưởng trong những năm tới. Tốc độ phát triển thị trường vàng trang sức tại Việt Nam đạt từ 7 - 11%, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Nho Bảng việc sản xuất vàng trang sức còn manh mún, công nghệ còn thấp, chất lượng còn chưa cao, mẫu mã chưa đa dạng, chưa đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập trên thị trường. Mỗi năm, các doanh nghiệp ước tính phải mua khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu nhưng việc này rất khó khăn.
Trước đây, khi thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ hàm lượng dưới 95% ở mức dưới 0%, nhiều doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu vàng với số lượng lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng chực nghìn lao động, góp phần tái tạo ngoại tệ và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019 doanh nghiệp kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỉ USD, năm 2020 xuất khẩu được 2,6 tỉ USD. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành (Nghị định 101/2021) quy định mức thuế chung đối với vàng xuất khẩu 1%. Với mức thuế suất này, doanh nghiệp không thể thực hiện được xuất khẩu, ngân sách mất đi một nguồn thu không nhỏ.
Để thị trường vàng nữ trang phát triển, ông Đinh Nho Bảng cho rằng cần đổi mới chính sách về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thay đổi Nghị định 24 quản lý thị trường vàng, chính sách thuế và sửa đổi luật Đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trước mắt, các doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất vàng trang sức. Về phía các doanh nghiệp, cần đầu tư mạnh mẽ hơn về công nghệ, thiết bị, tay nghề lao động và tăng cường liên doanh, liên kết trong và ngoài nước. Doanh nghiệp cần coi trọng về chất lượng sản phẩm vàng nữ trang để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Bình luận (0)