Doanh nghiệp nước ngoài nợ 'khủng'

22/08/2019 06:01 GMT+7

Dù tự vay tự trả nhưng nợ nước ngoài của các doanh nghiệp FDI không chỉ gia tăng áp lực nợ nước ngoài quốc gia mà cảnh báo gia tăng tình trạng chuyển giá ở khối này.

Tại buổi họp đánh giá về tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 - 2018 với các bộ ban ngành mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã cảnh báo tình trạng tăng nhanh nợ nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt DN đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến 76% tổng lượng nợ này và tập trung ở một số DN FDI có quy mô lớn. Trong khi đó, nợ nước ngoài của Chính phủ lại giảm rất mạnh và tốc độ tăng nợ rất thấp.

Ảnh hưởng cán cân thanh toán quốc tế

Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành phân tích, về lý thuyết, nợ nước ngoài do DN tự vay tự trả là điều bình thường trong nền kinh tế đang phát triển. DN nước ngoài vào VN đầu tư có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất rất lớn. Thế nên, nợ nước ngoài khu vực đó tăng nhanh trong những năm gần đây và đó là khoản nợ DN phải trả, Chính phủ không bảo lãnh. Tuy nhiên, ông Thành cảnh báo: “Đừng nghe cụm từ “tự vay tự trả” của DN là đơn giản. Cho dù Chính phủ không bảo lãnh nhưng ảnh hưởng khá lớn đến cán cân thanh toán của nền kinh tế. Một nền kinh tế có nợ tư nhân tăng là dấu hiệu tốt nhưng rủi ro là tỷ giá và lãi suất đồng USD tăng. Đặc biệt, khi khoản nợ này tăng cao, áp lực gói nợ nước ngoài của Chính phủ cũng tăng, rất dễ vượt ngưỡng cho phép”. Theo luật Quản lý nợ công, vốn vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả của DN cũng được tính vào nợ nước ngoài của quốc gia. Trong khi đó, khoản nợ này đang sát ngưỡng 50% GDP mà Chính phủ đặt ra.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng hàng hóa các DN FDI vào VN sản xuất ra giúp tăng GDP, song phải xác định nợ của họ cũng là nợ Chính phủ. “Nợ nước ngoài của DN tự vay tự trả tăng nhanh cũng chính là nợ nước ngoài của quốc gia tăng, dẫn đến các khoản thanh toán nước ngoài của VN sẽ ảnh hưởng. Tôi lo lắng nhất là các khoản nợ từ ngắn hạn của các DN FDI lại được chuyển sang dài hạn khiến dư nợ nước ngoài quốc gia so với GDP tăng. Mức nợ nước ngoài của Chính phủ nay lên đến 49% GDP, đang tiệm cận mức 50% GDP Chính phủ cho phép. Điều này ảnh hưởng đến phần đi vay của DN VN trong thời gian tới”. Dẫn câu chuyện nhà đầu tư Thái Lan vay gần 5 tỉ USD từ ngân hàng Thái để mua lại cổ phần của Sabeco, chuyên gia này cho rằng, năm 2017 nợ nước ngoài của VN tăng đột biến lên đến 73% so với năm trước đó một phần từ khoản vay lớn của các DN FDI. Vấn đề là sau đó, nhà đầu tư Thái Lan đã xin chuyển khoản vay ngắn hạn này sang nợ dài hạn. Áp lực cho các khoản vay từ ngắn hạn chuyển sang dài hạn từ đó cũng rất lớn.

Chuyển giá thông qua vay vốn đầu tư

Năm 2018, theo thống kê, nợ công quốc gia là 3.232.411 tỉ đồng, tương đương 58,4% GDP. Trong khoản 2.548.418 tỉ đồng nợ nước ngoài quốc gia thì phần nợ nước ngoài của Chính phủ là 1.067.817 tỉ đồng, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh 246.309 tỉ đồng, còn nợ nước ngoài tự vay, tự trả của DN là 1.234.292 tỉ đồng. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, DN đa số vay mua máy móc, mở rộng đầu tư hoặc vay mua lại DN trong nước. Nhưng tăng cường vay là “chiêu” DN FDI áp dụng khi vào VN nhằm trốn thuế. “Có thể công ty mẹ cho công ty con, hay công ty liên kết vay nợ cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính với lãi suất cao. Chi phí lãi vay là khoản chi phí được phép khấu trừ khi DN đóng thuế thu nhập. Vay nhiều, lãi kinh doanh được chuyển ra nước ngoài trả lãi ngân hàng nên không phải đóng thuế thu nhập DN. Đây là “mánh khóe” nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn để chuyển lợi nhuận về nước. Đó là hành vi chuyển giá của DN nước ngoài!”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành dẫn chứng một đôi giày Adidas "made in Vietnam" được bán tại Mỹ 200 USD nhưng giá xuất được khai là 12 USD. Nhà xuất khẩu xuất qua Singapore, từ đó xuất đi Mỹ. Trong khi giá thực tế của nó có thể 30 USD, nhưng hành vi chuyển giá của DN khiến ta thất thu 18 USD. "Xuất khẩu kiểu này, VN chỉ thu được 30% thuế, 70% còn lại là thâm hụt, vào hành vi chuyển giá", ông Thành nói.
Với các khoản nợ nước ngoài của DN FDI, thực tế VN không bị áp lực trả nợ, nhưng các chuyên gia đều nhấn mạnh VN thất thu lớn từ khoản nợ này. Một chi tiết được nhắc đến liên quan đến vốn vay của khu vực FDI là tình trạng “tay không bắt giặc”, vốn mỏng... Theo Bộ Tài chính thống kê, 140 DN FDI có vốn vay cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, PGS-TS Thịnh cũng đề cập mỗi khi cơ cấu vốn của DN chủ yếu đến từ khoản nợ từ bên ngoài thay vì vốn chủ sở hữu, cần có những công cụ để giám sát, hạn chế. Bởi đây chính là bước đầu tiên của hiện tượng chuyển giá thông qua vốn đầu tư.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, hiện một số quốc gia phát triển đã có các quy định liên quan đến vốn vay của DN trên vốn chủ sở hữu. Theo đó, DN có 1 đồng vốn, nhưng vay đến 3 đồng coi như rơi vào khung “vốn mỏng”. Mà đã “mỏng” rồi phần trả lại đối với phần vốn vay này sẽ không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN. VN nên áp dụng quy định này nhằm tránh tình trạng DN sử dụng đòn bẩy nợ quá cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.