Đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội chất vấn Bộ Tài chính trước tình trạng người dân tụ tập đông người, căng băng rôn, khẩu hiệu… tại các trụ sở cơ quan nhà nước, DN diễn biến phức tạp, gây mất trật tự. Nguyên nhân, các nhà đầu tư không được thanh toán trái phiếu đến hạn. Dự báo thời gian tới, tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp hơn. Vì thế, Bộ Tài chính có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho DN, thị trường trái phiếu và đảm bảo quyền lợi của người dân, nhà đầu tư?
Bộ Tài chính cho rằng năm 2022, thị trường TPDN có nhiều biến động phát sinh những vụ việc vi phạm pháp luật như Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB. Sau các vụ việc vi phạm, có tình trạng người dân, nhà đầu tư mua trái phiếu tụ tập tại một số cơ quan nhà nước. Thị trường TPDN bị mất niềm tin, thanh khoản thị trường khó khăn. Bên cạnh đó, kinh tế chưa hồi phục sau dịch bệnh nên một số DN phát hành trái phiếu gặp khó khăn trong cân đối các nguồn lực để thanh toán gốc, lãi trái phiếu, dẫn đến chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ.
Chính phủ cùng các bộ ngành đã tham gia chỉ đạo các giải pháp để ổn định thị trường TPDN, giảm áp lực thanh khoản. Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng đã làm việc trực tiếp với 39 DN và có văn bản yêu cầu từng DN phát hành ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của DN để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn trong cân đối nguồn chi trả, phải chủ động làm việc với các nhà đầu tư để có phương án thanh toán trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của nhà đầu tư, không gây mất trật tự xã hội.
Bộ Tài chính có 2 văn bản yêu cầu 2 DN phát hành công bố thông tin minh bạch, đầy đủ, chủ động sử dụng các dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình hoạt động DN và công bố cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất Bộ Công an tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm thời gian vừa qua để sớm có phương án xử lý, thanh toán tiền cho nhà đầu tư TPDN, góp phần ổn định tâm lý thị trường. Trong năm 2022, đã tiến hành thanh, kiểm tra 12 DN phát hành, 27 công ty chứng khoán, 7 DN cung cấp dịch vụ kế toán, 16 DN kiểm toán và 15 DN thẩm định giá.
Trong thời gian tới, ngoài việc tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng bên cạnh kênh phát hành riêng lẻ, việc tháo gỡ những khó khăn trên thị trường bất động sản sẽ là yếu tố quan trọng để ổn định thị trường TPDN cũng như tín dụng ngân hàng. Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của DN, làm việc trực tiếp với DN có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các DN có trách nhiệm đến cùng việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu với nhà đầu tư. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang kiến nghị Chính phủ áp dụng một số biện pháp bổ sung đối với DN chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Bình luận (0)