Doanh nghiệp phát triển nhờ trân trọng những ‘giấc mơ nhỏ’ của nhân viên

18/10/2022 08:00 GMT+7

“Chỉ vì giấc mơ của chị khác giấc mơ của em, không có nghĩa là chúng không quan trọng" - một trong những câu nói kinh điển của nhân vật Meg trong tác phẩm văn học kinh điển Những người phụ nữ bé nhỏ , có thể là tiếng lòng của rất nhiều người đang miệt mài với công việc.

Từ những giấc mơ đằng sau 8 tiếng nơi công sở…

Vì sao câu chuyện của 4 chị em nhà March: Meg, Jo, Amy và Peth dưới ngòi bút của nhà văn Louisa May Alcott lại được yêu mến đến thế?

Nhân vật chị cả Meg đã có một câu thoại đắt giá trong phim “Những người phụ nữ bé nhỏ” bản 2019 (ảnh cắt từ phim)

Đó là vì hành trình nỗ lực để được sống đúng với những điều mình mong, bất chấp các thiên kiến mà phụ nữ phải chịu ở thế kỷ 19 đã chạm đến trái tim nhiều độc giả. Đặc biệt, lời thoại bất hủ của chị cả Meg “Chỉ vì giấc mơ của chị khác với giấc mơ của em, không có nghĩa là chúng không quan trọng” đã lay động nhiều thế hệ. Tiếng lòng của người chị cả Meg có lẽ cũng đã nói hộ khát khao của bao người: Được sống với ước mơ riêng, dù nó bé nhỏ hay khác biệt đến thế nào.

Quay về cuộc sống hiện đại, mỗi người có thể giống nhau ở việc đi làm 8 tiếng mỗi ngày, nhưng đều ấp ủ ước mơ riêng. Người mong thăng tiến nhanh chóng, người lại mong chỉ cần gắn bó với công việc hiện tại mỗi ngày. Người muốn hoàn thành đam mê, người cần cơ hội được vươn lên học hỏi...

Nhưng dù là truyện hay đời, thì hành trình của những giấc mơ riêng luôn tồn tại thử thách.

Là một “công dân" xứ sở văn phòng, có thể bạn đã từng nghe những câu chuyện:

- Một nhân viên từ chối vị trí quản lý vì muốn rèn luyện các kỹ năng chuyên môn, nghiên cứu sâu sản phẩm, bị đánh giá là người thiếu tinh thần cầu tiến.

- Một nhân viên văn phòng có “nghề tay trái" là một cửa hàng thời trang, hay một tiệm bán đồ ăn vặt, bị gắn nhãn “đi làm cho vui" dù lúc nào cũng hoàn thành tốt công việc.

- Một nhân viên lựa chọn luân chuyển về một vị trí ở chi nhánh quê nhà, thay vì ở lại thành phố, bị đánh giá là tự làm thui chột tài năng.

Cách đo lường hiệu suất và đánh giá hiệu quả công việc cổ điển đang dần gò bó thành một quy tắc bắt buộc, quản lý đánh giá, phân biệt nhau dựa trên sự phấn đấu đi lên, thay vì nghiêm túc tôn trọng và ủng hộ giấc mơ của nhau.

Về chủ đề này, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet chia sẻ những góc nhìn riêng: “Hệ thống đánh giá nhân sự đang khiến nhiều người hiểu lầm rằng giấc mơ chung của các “công dân công sở" là liên tục được thăng tiến, có danh tiếng và lương thưởng cao, mà quên rằng họ cũng ấp ủ những khát khao, mong mỏi khác. Doanh nghiệp không nên ngó lơ hay xem nhẹ ước mơ khác biệt của người lao động, bởi đó rất có thể là động lực để họ phấn đấu mỗi ngày”.

Đến hành trình làm việc hạnh phúc hơn…

Quay lại câu chuyện của 4 chị em nhà March của Louisa May Alcott, sau khi chia sẻ với em gái về ước mơ thật sự của mình, người chị cả Meg đã trở thành một phiên bản mạnh mẽ hơn. Đó là khi cô nhận được sự thúc đẩy từ ước mơ riêng, điều mà cô đã từng bỏ qua vì muốn làm tròn chức trách của một người chị.

Một ước mơ được khuyến khích có thể mang đến động lực phát triển mạnh mẽ hơn bạn nghĩ. Theo nghiên cứu của ADPRI trên 50.000 nhân sự toàn cầu, khi được phụ trách những công việc ao ước và được tận dụng thế mạnh của bản thân, hiệu suất và khả năng hòa nhập của người lao động đều tăng.

Các chính sách hỗ trợ nhân viên theo đuổi ước mơ giúp công ty trở thành một môi trường làm việc lành mạnh hơn

Nguồn: Freepik

Nếu bạn chưa tin, thì tại một nhà bán lẻ quần áo thể thao đa quốc gia của Mỹ, nhân viên mới được khuyến khích thiết lập các mục tiêu trong sự nghiệp lẫn cá nhân. Văn hóa này giúp họ tăng tỷ lệ giữ chân nhân sự cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của ngành.

Một số công ty lớn khác lại chọn hỗ trợ học phí đại học cho nhân viên. Độc đáo hơn, tại Google, nhân viên được trao cho khoảng nghỉ kéo dài 90 ngày để theo đuổi những dự án cá nhân.

“Chúng ta đang cố gắng xây dựng một văn hóa làm việc hạnh phúc hơn. Và những khám phá về tác động tích cực của ước mơ chính là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng một môi trường như thế. Bằng việc giảm tải các áp lực phải theo đuổi những khuôn mẫu, người lao động hoàn toàn có thể được khuyến khích tập trung trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Khi người lao động hạnh phúc, doanh nghiệp sẽ thành công”, bà Trinh chia sẻ.

Để giúp doanh nghiệp thấu hiểu hơn về ‘gốc rễ’ hạnh phúc của nhân viên, trong tháng 11.2022, Talentnet mang đến sự kiện Vietnam HR Awards Gala 2022 với chủ đề ‘Awakening Joy’, khai thác những khía cạnh hạnh phúc của người nhân viên từ nhiều góc nhìn khác nhau để giúp doanh nghiệp thật sự ‘đánh thức’ niềm vui của người lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.