Doanh nghiệp quá khổ

09/03/2016 05:38 GMT+7

Trong các cuộc gặp gỡ giữa nhà nước và doanh nghiệp gần đây, hầu hết các vị lãnh đạo đều khuyến khích, động viên thậm chí kêu gọi doanh nghiệp (DN) thẳng thắn lên tiếng về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Trong các cuộc gặp gỡ giữa nhà nước và doanh nghiệp gần đây, hầu hết các vị lãnh đạo đều khuyến khích, động viên thậm chí kêu gọi doanh nghiệp (DN) thẳng thắn lên tiếng về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Hơn ai hết, các vị lãnh đạo này đều hiểu, dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung, môi trường kinh doanh trong nước vẫn tồn tại rất nhiều tệ nhũng nhiễu, ăn vặt; thủ tục hành chính kéo dài, gây cản trở, phiền hà cho DN.
Nhưng cái khó của DN là không thể, hay chính xác hơn là không dám nói ra những bức xúc của mình. Bởi "tố" thuế, tố hải quan, tố các cơ quan hành chính công... rồi hằng ngày, hằng tháng, hằng quý, hằng năm vẫn phải tới những nơi này kê khai, làm thủ tục xuất hàng hay xin giấy phép lớn, giấy phép nhỏ. Lúc đó bị yêu sách, bị đòi này, hỏi kia thì biết kêu ai.
Vì thế điều dễ thấy trong các buổi gặp gỡ với các bộ, ngành là DN bức xúc, lớn tiếng phản ánh nhưng chỉ nói chung chung mà không dám chỉ đích danh những đơn vị, con người cụ thể cố tình nhũng nhiễu. Có lẽ đây cũng là lý do vấn đề cải cách thủ tục hành chính dù chúng ta luôn khẳng định quyết tâm nhưng kết quả lại không như mong muốn.
Tại hội nghị công bố kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế - hải quan cuối năm 2015 vừa qua, theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, tình trạng phải “lót tay” cho cán bộ thuế vẫn là quan ngại của nhiều DN. Vẫn có tới 55% đơn vị đồng tình quan điểm nếu không “chi thêm”, họ sẽ bị phân biệt đối xử. 85% các hiệp hội DN và liên minh hợp tác xã cho biết khi không chi các khoản "lót tay", họ sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ và 68% cho rằng bị kéo dài thời gian làm thủ tục.
Không chỉ thế, các DN còn nặng gánh vì bị xin, bị đề nghị hỗ trợ. Giám đốc một DN cho biết hầu hết các đoàn thể địa phương nơi họ đặt trụ sở đều tới xin hỗ trợ với "tinh thần tự nguyện" nhưng không thể chối từ. Tất nhiên, các khoản này đều được tính vào chi phí, cộng thêm vào giá thành sản phẩm và là một trong các yếu tố quan trọng khiến hàng VN luôn kém cạnh tranh so với các mặt hàng đồng dạng của những nước trong khu vực.
Nói như thế để thấy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của bộ máy nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong thành - bại của DN trước cánh cửa hội nhập. Nhưng chúng ta dường như đang quên đi vế này. Suốt thời gian qua, từ khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế Asean cũng như các FTA được ký kết, chúng ta luôn kêu gọi DN phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, dịch vụ, bắt tay làm ăn lớn...
Nhưng nếu chỉ DN nỗ lực thôi thì chưa đủ. Vận hội mới đòi hỏi bộ máy nhà nước phải đổi mới, phải nâng cấp chất lượng, dịch vụ công; tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm tối đa chi phí, đặc biệt là phải đóng được các "cửa sau" đã và đang buộc DN phải lót tay, đi đêm.
Muốn đóng được các "cửa sau" thì phải biết được cánh cửa đó ở đâu, vị trí nào. Cái này chỉ các DN mới biết chính xác. Mà để họ dám nói, việc này phải được làm mạnh, làm thường xuyên và đồng loạt trên cả nước với thái độ quyết liệt và một quyết tâm chính trị; Đủ để tạo niềm tin cho DN, để họ thấy nhà nước sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng họ.
Có như vậy, chúng ta sẽ có một môi trường kinh doanh thuận lợi, đủ sức để cạnh tranh khi hội nhập. Mới biến cơ hội thành lợi ích thực sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.