Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đừng lo?

04/03/2021 06:21 GMT+7

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao gần gấp đôi số thành lập mới, nhưng nhiều chuyên gia nhận định đang có sự chuyển đổi mô hình kinh doanh âm thầm.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh và Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) cho thấy số doanh nghiệp (DN) tiếp tục rời thị trường tăng gần 19%, với hơn 33.611 DN, cao gấp đôi số thành lập mới là hơn 18.129 DN, giảm 4% so cùng kỳ năm ngoái.

Bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến... rời cuộc chơi

Trong số DN rút lui khỏi thị trường 2 tháng qua, có số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 21.636 DN, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020, 1.636 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 8.380 DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 3.595 DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2020, số lượng các DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể lớn nhất là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (3.124 DN, chiếm 37,3%); công nghiệp chế biến, chế tạo (1.001 DN, chiếm gần 12%) và xây dựng (808 DN, chiếm 9,6%).
DN ngừng kinh doanh có thời hạn tập trung nhiều ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch, xây dựng. Gần 92% trong số này có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng. DN quy mô vốn trên 100 tỉ đồng ngừng kinh doanh chỉ chiếm 0,6%, nhưng bù lại có mức tăng đột biến gần 60% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Công ty Vietnam Report đối với các DN thuộc nhóm ngành bán lẻ, gần 42% DN đang chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19, 50% DN đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% DN cho biết bị tác động ít, không đáng kể. Ngoài ra, trong hơn 18.000 DN mới thành lập, 11/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, những số liệu thống kê nói trên cho thấy tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh rõ nét nhất là số DN rút lui khỏi thị trường còn quá cao. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến số lượng tạm ngừng kinh doanh tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ năm ngoái là do DN muốn tiếp tục nghe ngóng, xem xét diễn biến thị trường và tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới cũng như các chính sách hỗ trợ của nhà nước trước khi quyết định có đóng cửa vĩnh viễn hay không.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DN, nhận xét điều này là hoàn toàn bình thường và chính số DN đang nằm yên nghe ngóng là còn sức khỏe chứ không phải “chết”. 92% số DN vốn dưới 10 tỉ rời cuộc chơi thực ra tập trung phần lớn là DN nhỏ li ti, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh nhỏ hình thành. “Đừng thấy tỷ lệ 92% mà giật mình. Nếu soi một cách chi tiết về các con số DN thành lập mới sẽ thấy, những DN quá phụ thuộc vào thị trường, sử dụng khách hàng như “nguồn sống” của DN thì sẽ “gục ngã” ngay trong đại dịch, không sớm thì muộn. Trong năm 2020, số này đã lần lượt rời cuộc chơi và một số đã chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh và đã thành công, hoặc chớm thành công mà tôi đã chứng kiến”, ông Quân phân tích.

DN đang “thay máu” khá tốt

PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân dùng hai chữ “thay máu” để ví von cho sự chuyển đổi hiện tại của DN. Theo ông, quá trình chuyển đổi của DN đang âm thầm diễn ra mạnh mẽ, cương quyết và mang tính mới rất rõ rệt, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình. Ông nói tiếp: “Những mô hình livestream bán hàng đang diễn ra rầm rộ trên mạng xã hội là một trong những cách làm kinh doanh phổ biến mạnh mẽ trong và sau đại dịch được chuyển đổi từ mô hình kinh doanh bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ lệ rời thị trường cao nhất. Thật ra khu vực này đã kịp chuyển đổi và tản mát sang lĩnh vực khác, cách làm khác. Thế nên, tôi cho rằng, Covid-19 chính là cơ hội lớn để DN “thay máu” thực sự”, ông Quân nói.
Các DN từ khủng hoảng do đại dịch Covid-19, đang tự đổi mới, tự tái cấu trúc, giảm thiểu tối đa chi phí để tồn tại. Hiện DN nào tồn tại được lại đang phát triển tốt. Cơ hội kinh doanh từ các hiệp định thương mại tự do là cực lớn mà DN trong nước đang tận dụng nhanh nhạy hơn nhiều so với trước đây.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đã xuất hiện sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro và nhiều tiềm năng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Ngay từ tháng đầu năm nay, nhiều lô hàng nông, thủy sản đã xuất khẩu sang các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Úc, Canada, Singapore...
Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng ở hầu hết các ngành hàng trong năm 2021 bởi các hiệp định thương mại tự do đã ký như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa VN với Vương quốc Anh - Bắc Ai-len (UKVFTA) sẽ mang đến những cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản nhờ các lợi thế về thuế quan.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, bổ sung đại dịch tác động quá lớn đến hoạt động của DN nhỏ. Số DN phá sản, dừng hoạt động chờ phá sản tăng chóng mặt. Song nhìn một cách tổng thể, số DN quay trở lại hoạt động và thành lập mới cũng tăng đáng kể so cùng kỳ năm ngoái. Lưu ý là số DN rút lui khỏi thị trường trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái lại giảm. DN tạm ngừng kinh doanh trong tháng 2 cũng giảm hơn 21% so với tháng 2.2020, thời điểm dịch chưa bùng phát tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng trong tháng 2, số DN quay trở lại hoạt động tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Những con số này cho thấy le lói đâu đó ánh sáng lạc quan từ phía nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Nên nhớ số DN phá sản đã dừng hoạt động có thời hạn lâu rồi, đang chờ làm thủ tục, dừng hoạt động hẳn… Như vậy, số DN quay trở lại hoạt động đầu tư mới tăng đáng kể, đó là tín hiệu rất tích cực cho nền kinh tế”, ông Thịnh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.