Ngày 11.9, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) diễn ra diễn đàn "Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam" do Báo Nông nghiệp Việt Nam (đơn vị thường trực Tổ điều hành diễn đàn kết nối nông sản 970 - Bộ NN-PTNT) cùng Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, Sở NN-PTNT Đắk Lắk, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) phối hợp tổ chức.
Nhiễu loạn giá sầu riêng
Tại diễn đàn, ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding, cho biết trong vụ mùa năm nay, tập đoàn có hợp đồng bao tiêu liên kết thu mua sầu riêng trước khi thu hoạch 15 - 20 ngày. Tuy nhiên, trước khi sầu riêng vào chính vụ khoảng 2 tháng, các thương lái, "cò" đã ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc vườn, gây nhiễu loạn giá sầu riêng khiến người dân phân tâm.
Ngoài việc giá cả nhiễu loạn, ông Trung cho rằng có tình trạng phân chia thị trường, doanh nghiệp này xã này, doanh nghiệp xã kia chia nhau khi thu mua sầu riêng.
"Đối tác nước ngoài vui khi doanh nghiệp Việt Nam bị chia rẽ. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế và giải quyết thực trạng doanh nghiệp trong nước chưa kịp lớn đã đấu đá nhau. Điều này tất yếu sẽ dẫn tới hệ quả chúng ta tự thua trên sân nhà", ông Trung nói.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (H.Krông Búk, Đắk Lắk) tỏ ra bức xúc về công tác quản lý mã số vùng trồng sầu riêng. Ông Chiến cho rằng, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Ngược lại, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường.
Bên cạnh đó, những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác.
Theo ông Chiến, HTX Tân Lập Đông có sản lượng khoảng 1.400 tấn sầu riêng. Năm nay, nhiều người đến HTX tìm mua sầu riêng nhưng không hề có ai quan tâm đến mã vùng trồng. "Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi xuất khẩu mà không quan tâm đến mã số vùng trồng, thương lái vỗ vai nói nhỏ việc đó họ tự lo được", ông Chiến bức xúc.
Tại diễn đàn, ông Chiến đề nghị các cơ quan quản lý kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp có tâm với ngành sầu riêng.
Sẽ có nghị định về mã số vùng trồng?
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT), cho biết sẽ tổng hợp để trình Bộ NN-PTNT về quy chế mã số vùng trồng và những quy tắc điều chỉnh hành vi phù hợp nhất trong ngành hàng sầu riêng.
"Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo rất quyết liệt để tham mưu trình cấp thẩm quyền ban hành nghị định về mã số vùng trồng. Song hành với đó, sẽ có các quy chế về hành vi, chế tài xử phạt về việc mua bán, vi phạm mã số vùng trồng", bà Hiên nói.
Tham gia diễn đàn trực tuyến từ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, diễn đàn lần này là dịp để các bên đóng góp ý kiến, giúp Bộ NN-PTNT có những định hướng, giải pháp đúng đắn để phát triển ngành sầu riêng Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành hàng sầu riêng của Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng cũng đang đối diện không ít thách thức. Trong bối cảnh giá sầu riêng tăng cao, các thách thức nhiều nhất đặt ra là kiểm soát mã vùng trồng, giá cả sản phẩm và diện tích trồng sầu riêng.
"Muốn ngành hàng sầu riêng phát triển phải bắt đầu từ sản xuất chứ không phải là từ khâu tiêu thụ. Chúng ta phải nhận thức rõ, phát triển bền vững ở đây không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững. Doanh nghiệp phải đắp nền với nông dân từ lúc đưa cây giống vào trồng, chứ không chờ đến lúc quả chín trên cây", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, hiện diện tích sầu riêng được trồng tại 12/15 huyện của tỉnh, với diện tích hơn 28.000 ha, tăng hơn 6.000 ha so với cuối năm 2022, sản lượng ước khoảng 200.000 tấn. Ông Côn cho rằng sầu riêng Đắk Lắk bán chủ yếu bằng hình thức quả tươi, tỷ trọng chế biến thấp. Do đó, phát triển ngành hàng sầu riêng cần tập trung vào chuỗi chế biến sâu.
Cũng theo ông Côn, hiện diện tích trồng xen sầu riêng của Đắk Lắk chưa được chấp nhận cấp mã số vùng trồng. "Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, đánh giá việc trồng xen sầu riêng với cây trồng khác, tạo cơ sở đàm phán với Trung Quốc để chấp thuận cấp mã vùng trồng cho hình thức canh tác này. Bằng không, sẽ rất gay go cho sầu riêng trồng xen", ông Côn cho biết.
Bình luận (0)