Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, đơn vị đã xuất bán hàng sang Trung Quốc đầu những năm 2000, cho hay hiện lượng hàng xuất sang Trung Quốc chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Vinamit, và hiện các giao dịch chủ yếu thanh toán bằng USD.
Nhiều lần đề nghị thanh toán bằng CNY
“Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc cũng muốn tôi giao dịch bằng CNY. Với việc CNY được quốc tế hóa, không ít đối tác nhiều lần đề nghị thay vì thanh toán bằng USD, sẽ thanh toán bằng CNY”, ông Viên cho biết. Theo ông, các DN Trung Quốc muốn mua bán bằng CNY để họ giảm chi phí, không phải chuyển đổi ngoại tệ nhiều vòng, trong khi DN VN vẫn phải chịu chi phí quy đổi và dần dần lệ thuộc vào đồng CNY trong thanh toán.
|
|
Cũng theo ông, ở khía cạnh giao dịch, VN hiện nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc rất lớn. Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm nay Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 40,3 tỉ USD trong khi cùng thời gian này VN chỉ xuất khẩu vào Trung Quốc được 17,3 tỉ USD. Tương tự nhập khẩu của VN từ khối ASEAN đạt 19,1 tỉ USD trong khi xuất khẩu chỉ đạt 14,2 tỉ USD... “Cân nhắc thanh toán bằng CNY đã vào giỏ dự trữ tiền tệ quốc tế (SDR) có thể mang lại sự thuận tiện cho đối tác hai bên”, ông nói.
Theo ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, riêng đối với ngành nhựa, các loại phụ tùng, phụ liệu đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, chiếm khoảng 25 - 30% chi phí đầu vào của DN. Đặc biệt với các ngành nhựa thì có khoảng 70% máy móc thiết bị mua từ Trung Quốc nên kèm theo đó các loại vật tư, phụ tùng và phụ liệu từ hạt màu, kẽm, bù loong ốc vít... đều phải nhập khẩu từ nước láng giềng. Thậm chí đôi khi các khách hàng cũng chỉ định DN phải mua phụ liệu từ Trung Quốc. Trong đó, hầu như đa số các DN khi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài nói chung hay Trung Quốc nói riêng đều thanh toán bằng USD. Vì vậy, dù giá CNY từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 4% so với USD nhưng hàng hóa mua từ Trung Quốc không giảm giá.
“Khi mua phụ tùng, phụ liệu từ Trung Quốc đều phải thanh toán bằng USD nên việc CNY giảm giá so với USD khiến phía DN VN bị thiệt hơn. Điều này khiến chi phí đầu vào gia tăng ngoài kế hoạch”, ông Trần Việt Anh nói. Để hạn chế sự phụ thuộc này, DN cho biết đang tích cực tìm những nguồn cung ứng khác.
Theo TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ảnh hưởng từ việc CNY được chính thức đưa vào SDR chưa tác động nhiều đến VN. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chính sách tỷ giá của Trung Quốc theo đuổi xu hướng làm giảm giá CNY, gây ra bất lợi cho các DN VN cả hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Trong khi DN VN nhập khẩu hàng hóa phải thanh toán bằng USD thì ngược lại xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nhiều khả năng được trả bằng CNY. Đặc biệt khi VN vẫn nhập siêu nhiều từ Trung Quốc thì phần thiệt hại này sẽ càng lớn.
Đừng lệ thuộc cả thương mại và thanh toán
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: “Có ý kiến cho rằng có thể xem xét việc sử dụng thanh toán bằng CNY, nhưng tôi cho là điều này sẽ khiến VN tăng phụ thuộc vào Trung Quốc. Bởi hiện đa số DN nội giao dịch bằng USD và euro. Nếu thanh toán bằng CNY, VN không thể sử dụng USD và euro có được từ hoạt động xuất khẩu. DN sẽ tốn kém hơn khi phải mất thêm chi phí đổi sang CNY. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang trong xu hướng phá giá đồng tiền của họ để hàng xuất khẩu rẻ hơn, từ đầu năm đến nay là 7%, là đồng tiền chưa có mức độ ổn định, tiềm ẩn rủi ro đối với DN”, ông Lê Đăng Doanh phân tích.
Bên cạnh đó, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích xu hướng CNY sẽ còn tiếp tục giảm giá trong thời gian tới nếu được thả nổi hoàn toàn theo chân các đồng tiền hoán đổi tự do trong rổ tiền tệ của IMF như USD, euro, yen Nhật... Với xu hướng này, mức độ nhập siêu của VN từ Trung Quốc có nguy cơ gia tăng mạnh hơn. Ngoài ra, hiện nay xu hướng giảm giá đồng tiền của một số nước trong khu vực ASEAN cũng đang diễn ra và theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ cần có chính sách ngoại hối linh hoạt để trung hòa được với xu hướng đó nhằm tránh nguy cơ nhập siêu ngày càng lớn vào VN. Khi đó bản thân các DN trong nước sẽ ngày càng khó cạnh tranh.
Bình luận (0)