Ngày 25.9, tại TP.HCM, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị đánh giá một năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU.
Mất khách hàng vì thủ tục
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP thủy sản Bình Định, lo lắng: Doanh nghiệp chúng tôi sản xuất và chế biến 100% nguồn nguyên liệu hải sản khai thác xa bờ. 60-70% xuất khẩu đi EU, 20% xuất khẩu đi Mỹ và 10% đi Trung Đông. Thời gian qua hoạt động xuất khẩu sang EU gặp rất nhiều khó khăn . Dù chúng tôiđã nỗ lực tìm kiếm thị trường thay thế nhưng do có một số sản phẩm đặc thù của thị trường này rất khó dịch chuyển sang thị trường khác. Vì thế, doanh nghiệp bị tác động nặng nề.
tin liên quan
Hải sản Việt Nam bị 'thẻ vàng' thêm 6 tháng“Chính vì vậy khi chúng tôi nhập hàng về chế biến, đến khi hồ sơ thủ tục hoàn tất thì chỉ có 30-40% hàng hóa đáp ứng được yêu cầu thủ tục của EU, còn lại bị loại. Đối tác nhập khẩu không thể chờ mình quá lâu vì ảnh hưởng đến hợp đồng phân phối của họ. Họ bỏ mình và mình mất khách hàng, thiệt hại rất lớn”, bà Lan bức xúc.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hải sản sang EU từ 350-400 triệu USD, tương đương 16-17% tổng xuất khẩu hải sản của Việt Nam. EU là thị trường lớn thứ 2 về nhập khẩu cá ngừ, thứ 3 về mực và bạch tuộc nên việc các doanh nghiệp bị ảnh hưởng thế này sẽ tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Gần 1 năm trước đó, ngày 23.10.2017, EU cảnh cáo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam. Trong năm 2018, xuất khẩu hải sản vào EU có chiều hướng giảm sâu và liên tục trong khoảng từ 4-20%. Tính từ đầu năm đến hết tháng 8, tổng xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU chỉ đạt 252 triệu USD, giảm tới 25% so với cùng kỳ năm trước.
“Thẻ vàng đã làm giảm xuất khẩu hải sản khai thác sang EU trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các tháng cuối năm. Xuất khẩu các mặt hàng như: mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận, xác nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU”, bà Lê Hăng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc VASEP nhận định.
Hoàn chỉnh khung pháp lý và thực thi
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, vấn đề quan trọng hiện nay của Hiệp hội sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi làm việc với các bên liên quan để tham vấn Chính phủ đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện và sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành luật Thủy sản, cũng như sửa đổi nghị định liên quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành các thông tư sửa đổi Thông tư 02 và 50, cải cách và sửa đổi Thông tư 26 theo Nghị quyết 19 của Chính phủ…
|
Trên thực tế, cần tổ chức lại đội tàu khai thác hải sản trên các vùng biển phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi. Đào tạo, nâng cao khả năng thực thi của các cơ quan quản lý địa phương như: Chi cục Thủy sản, các ban quản lý cảng cá. Tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất và hướng dẫn nghiệp vụ cho ban quản lý các cảng cá để thực hiện tốt việc xác nhận hải sản khai thác ngay từ khi tiếp nhận.
Một yếu tố quan trọng khác là cần cung cấp hằng tháng dữ liệu “nguồn lợi” và "sản lượng khai thác” cho cộng đồng doanh nghiệp hải sản; công bố công khai và cập nhật thường xuyên danh sách các tàu Việt Nam và quốc tế vi phạm IUU trên website của Tổng cục Thủy sản…
“Chúng ta phải xác định tinh thần không chỉ nỗ lực xóa thẻ vàng của EU mà còn vì một nghề cá bền vững và có trách nhiệm”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP nêu quan điểm.
Bình luận (0)