Doanh nghiệp thoát hiểm, bứt tốc vượt Covid-19

11/11/2020 13:45 GMT+7

Để "thoát hiểm" đại dịch Covid-19 , doanh nghiệp không còn con đường nào khác là phải thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, thương mại điện tử; tiên phong, đột phá sáng tạo và dám nghĩ, dám làm.

Miếng bánh 1.000 tỉ USD

Sáng 11.11, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phối hợp với Liên minh Invest Global tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề “Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19”. Diễn đàn là sự kiện chào mừng năm Việt Nam ASEAN và tuần lễ cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội.
Dẫn số liệu từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2022, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới. Ở ASEAN, mặc dù kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP của cả khu vực, song được dự báo sẽ đóng góp thêm 1.000 tỉ USD cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới. Covid-19 ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế, song đại dịch cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thức tỉnh, định vị lại bản thân, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá.
“Thách thức lớn nhất của việc chuyển lên môi trường số nằm ở vấn đề thay đổi thói quen. Thói quen đó có thay đổi được hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và vào cả quyết tâm của lãnh đạo các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới...
Đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo. “Doanh nghiệp là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay”, ông Lâm khẳng định.

Ông Trử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, và các đại biểu tham dự

Ảnh Chu Xuân Khoa

Tận dụng lợi thế thương mại điện tử

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, theo ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ASEAN BAC, Việt Nam cần phải tận dụng chuyển đổi số; doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp Việt phải tiên phong nắm lấy công nghệ tiên tiến để tạo ra giá trị. Chính những doanh nghiệp đi đầu này về sau sẽ chia sẻ lại cho những doanh nghiệp chậm hơn.
“Để thành công, các doanh nghiệp phải tận dụng những giải pháp công nghệ, sáng kiến mới giải quyết vấn đề tồn đọng của doanh nghiệp. Các nhà hoạch định chính sách cần phải có tầm nhìn để quy tụ các doanh nghiệp, hợp tác với các hãng công nghệ lớn nhất để làm động lực tăng trưởng”, ông Khương khuyến nghị.
Nhìn từ góc độ thương mại trực tuyến, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, ông Đặng Hoàng Hải cho biết, hành vi tiêu dùng mua sắm trực tuyến phát triển rất tốt. Do Covid-19 mà những mặt hàng trước kia người tiêu dùng không dám mua thì nay đã mạnh dạn xuống tiền “online”. Những tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp thương mại điện tử là tiết kiệm được chi phí do có thể làm việc ở nhà, duy trì doanh nghiệp sau dịch; doanh thu giảm nhưng kế hoạch sẽ phục hồi nhanh chóng.
Chính phủ dự đoán tăng trưởng GDP thấp hơn dự báo nhiều, tuy nhiên, theo ông Hải, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử rất lạc quan, giá trị mua hàng thương mại điện tử rất cao, giảm nhân sự không đáng kể.
“Chúng ta nghĩ rằng tất cả doanh nghiệp tìm đến công nghệ do Covid-19 nhưng thực ra số này mới chỉ tăng 29%. Covid-19 đã tạo ra lượng người tham gia vào thị trường thương mại điện tử rất lớn, mua nhiều mặt hàng giá trị lớn mà trước đây họ chưa từng mua”, ông Hải gợi mở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.