Doanh nghiệp thuê mặt bằng bị cắt điện nước, lỗi thuộc về ai?

23/08/2024 04:00 GMT+7

Sau khi tòa buộc Ban Quản trị chung cư Khánh Hội 1 đã cắt điện nước phải bồi thường hơn 1,5 tỉ đồng cho một doanh nghiệp, bị Viện kiểm sát kháng nghị vì lỗi thuộc về các bên.

Cùng một mặt bằng nhưng ký hợp đồng thuê với cả hai

Viện KSND Q.4 (TP.HCM) vừa kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án của TAND Q.4, vì cho rằng bị đơn là Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Khánh Hội (Công ty Khánh Hội) không có quyền yêu cầu bên thứ ba bồi thường thay cho nguyên đơn là Công ty TNHH Groupe Atlantic Vietnam (Công ty Atlantic).

Theo trình bày của Ban Quản trị chung cư Khánh Hội 1 (viết tắt BQT), năm 2015, Công ty Khánh Hội đã bàn giao cho BQT tầng trệt sảnh B với diện tích khoảng 360 m2.

Sau đó, năm 2016, Công ty Atlantic có ký hợp đồng thuê mặt bằng làm việc tại tầng trệt sảnh B với BQT, thông qua ủy thác với Công ty TNHH MTV dịch vụ quản lý cao ốc Khánh Hội trong 5 năm, từ tháng 2.2016 - 2.2021.

Năm 2017, Công ty Khánh Hội được cấp sổ đỏ hơn 3.800 m2 bao gồm luôn cả mặt bằng mà Công ty Atlantic đang thuê và phòng y tế, phòng cộng đồng... Từ tháng 10.2017, Công ty Atlantic không thanh toán tiền thuê mặt bằng và cũng không thông báo cho BQT biết lý do.

Đến năm 2018, Công ty Atlantic ký hợp đồng thuê chính mặt bằng này với Công ty Khánh Hội. Thời hạn thuê từ năm 2018 - cuối năm 2022. Bên cho thuê phải có nghĩa vụ: đảm bảo cung cấp điện, nước.

Tháng 4.2021, hội nghị nhà chung cư giao cho BQT ngưng cung cấp dịch vụ và thu hồi mặt bằng đối với phần cho thuê này. Vì vậy, BQT thông báo đến Công ty Atlantic trả lại phần diện tích sử dụng chung sảnh B cho BQT từ ngày nhận được thông báo cho đến hết tháng 11.2021.

Đầu tháng 12.2021, Công ty Atlantic bị cắt điện nước. Từ đó, Công ty Atlantic khởi kiện, yêu cầu TAND Q.4, TP.HCM buộc Công ty Khánh Hội phải bồi thường thiệt hại hơn 100 triệu đồng, gồm chi phí thuê phòng họp mới, chi phí chuyển đồ, chi phí thừa phát lại…

Doanh nghiệp thuê mặt bằng bị cắt điện nước, lỗi thuộc về ai?- Ảnh 1.

Chung cư Khánh Hội 1, nơi Công ty Atlantic thuê mặt bằng

NGÂN NGA

Tuy nhiên, phía bị đơn là Công ty Khánh Hội không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bởi theo bị đơn, BQT phải có nghĩa vụ bồi thường vì đã cắt điện nước. Đồng thời, Công ty Khánh Hội còn đề nghị tòa buộc BQT bồi thường thiệt hại cho bị đơn hơn 1,5 tỉ đồng. Lý do, bị đơn không thể cho các đối tác đề nghị thuê mặt bằng do bị cắt điện, nước…

Ngược lại, BQT không đồng ý với yêu cầu trên. Bởi, trước khi cắt điện, nước, BQT đã có văn bản gửi Công ty Atlantic về việc thu hồi mặt bằng và ngưng cấp dịch vụ. Đồng hồ điện nước mặt bằng tầng trệt sảnh B là do BQT lắp đặt. Nếu Công ty Khánh Hội đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu riêng mặt bằng tầng trệt B thì tự gắn đồng hồ điện nước.

Ngoài ra, cho rằng Sở TN-MT TP.HCM đã cấp sổ đỏ cho Công ty Khánh Hội hơn 3.800 m2 là ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy vì không có chỗ thoát hiểm… Nên tháng 4 vừa qua, BQT đã nộp đơn khởi kiện Sở TN-MT TP.HCM ra TAND TP.HCM yêu cầu hủy giấy chứng nhận trên.

Viện kiểm sát: lỗi thuộc về các bên

Hôm 5.7, TAND Q.4 xét xử sơ thẩm, theo tòa, đối với phần đầu tư đồng hồ điện, nước mà BQT đã lắp đặt thì có thể yêu cầu Công ty Khánh Hội hoàn trả. Trường hợp công ty này không thanh toán thì kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra tòa, chứ không được tự ý cắt điện nước…

Từ đó, TAND Q.4 xét xử sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện, buộc Công ty Khánh Hội phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Atlantic hơn 100 triệu đồng. BQT phải bồi thường cho Công ty Khánh Hội hơn 1,5 tỉ đồng.

Ngay sau đó, bản án này đã được Viện KSND Q.4 kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án. Theo kháng nghị, việc tòa án chưa xác minh tại Sở TN-MT TP.HCM về quyền sở hữu khu vực cho thuê đang tranh chấp là chưa đảm bảo thủ tục tố tụng.

Theo Viện KSND Q.4, khi chưa thanh lý hợp đồng, chưa thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với BQT, mà Công ty Atlantic lại tiếp tục ký hợp đồng thuê mặt bằng này với Công ty Khánh Hội. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Khánh Hội được cấp quyền sở hữu nhưng không thông báo yêu cầu BQT bàn giao trở lại phần mặt bằng, để BQT và Công ty Atlantic thanh lý hợp đồng trước đó.

"Công ty Atlantic, Công ty Khánh Hội và BQT đều có lỗi trong sự việc tranh chấp. Do đó, việc tòa tuyên xét chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu độc lập của bị đơn mà chưa xem xét nguồn gốc các phần lỗi của các đương sự là chưa xem xét toàn diện vụ án", kháng nghị nêu…

Ngoài ra, do không đồng tình với bản án, phía BQT cũng kháng cáo bản án trên.

Năm 2022, Công an TP.HCM đã ra quyết định xử phạt Công ty Khánh Hội với số tiền 23 triệu đồng. Lý do đã cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng công trình khi chưa có giấy chứng nhận, hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.