Doanh nghiệp thủy sản đang trông chờ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ |
quang thuần |
Theo VASEP, từ tháng 11.2021, đại diện các doanh nghiệp thủy sản đã gửi công văn số 119/CV-VASEP tới Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương để báo cáo và kiến nghị việc doanh nghiệp thủy sản tại nhiều tỉnh không được địa phương hỗ trợ giảm tiền điện đợt 5 theo Nghị quyết 97/NQ-CP và văn bản 5411/BCT-ĐTĐL của Bộ Công thương với lý do được hầu hết các công ty ngành điện tại các địa phương đưa ra là “tỉnh không thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo chỉ thị 16/CT-TTg tại thời điểm ngày 25.8.2021”.
Đây là vấn đề bất cập được nhiều doanh nghiệp thắc mắc, phản ánh, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần rất nhiều sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước để phục hồi sau các khó khăn do phải thực hiện giãn cách xã hội gây ra. Ngày 9.11.2021, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản 8202/VPCP-KTTH chuyển công văn 119/CV-VASEP tới Bộ Công thương, đồng thời đề nghị Bộ Công thương xem xét, xử lý theo quy định và trả lời Hiệp hội. Tuy nhiên, đến nay Hiệp hội vẫn chưa nhận được phản hồi và ý kiến giải quyết .
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết: Do các doanh nghiệp thủy sản hiện rất trông chờ vào sự hỗ trợ này nên VASEP tiếp tục kiến nghị báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng và Bộ trưởng để sớm có chỉ đạo giải quyết vướng mắc này, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhằm giúp tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid-19 để các doanh nghiệp yên tâm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo VASEP, tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng cuối năm đã hồi phục và bù đắp được lượng thâm hụt sâu về kim ngạch xuất khẩu trong quý 3/2021 và nhờ đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm của Việt Nam sẽ đạt khoảng 8,7 tỉ USD, tăng 3% so với năm 2020. Mặc dù còn nhiều khó khăn và nhiều doanh nghiệp có thể không có lợi nhuận, thậm chí vẫn đang phải gánh lỗ nhưng việc kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng một cách ấn tượng vào cuối năm 2021 sẽ tạo đà cho ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.
Bình luận (0)