Ngày 2.3, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Geneva (CCIG) cùng Hội
Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam – Thụy Sĩ (SVBG) đồng tổ chức hội thảo trực tuyến về thị trường Việt Nam.
CCIG có khoảng 2.400 thành viên. Nhân dịp này, Chủ tịch sáng lập SVBG, bà Nguyễn Thị Thục đã chính thức giới thiệu hội trước các đối tác Thụy Sĩ. SVBG, trụ sở tại thành phố Lausanne, vừa được thành lập vào cuối tháng 1, với tiêu chí hoạt động nhằm thúc đẩy trao đổi, hợp tác thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp
Thụy Sĩ và Việt Nam.
Môi trường kinh doanh vững chắc
Phát biểu tại hội thảo,
Đại sứ - Tiến sĩ Lê Linh Lan chúc mừng sự ra mắt của SVBG, tổ chức hoàn toàn do người gốc Việt thành lập ở nước ngoài.
Bà cho hay sự ra đời của SVBG diễn ra vào thời điểm hết sức đặc biệt trong quan hệ song phương, theo đó hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021).
Bất chấp thách thức từ dịch bệnh, nữ đại sứ khẳng định Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh, cho phép tiếp tục tăng trưởng kinh tế dương (2,91%) năm ngoái, trong lúc nhiều nước rơi vào suy thoái. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đặt chính phủ số là chiến lược trọng tâm của quốc gia, tăng cường năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường
kinh tế thế giới.
Đồng thời, Việt Nam năm 2020 ký kết gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), kết thúc đàm phán FTA với Anh, và thúc đẩy thành công việc ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực (RCEP).
Tất cả những yếu tố trên chứng tỏ lợi thế so sánh vốn có của Việt Nam trong việc thu hút mạnh mẽ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trước những biến động của toàn cầu đến từ dịch
Covid-19.
Tiếp lời đại sứ Việt Nam, Tổng giám đốc Vincent Subilia của Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Geneva chia sẻ quốc hội Thụy Sĩ vừa bỏ phiếu thông qua FTA với Indonesia trong tuần này, và hy vọng FTA với Việt Nam sẽ nằm trong nghị trình sắp tới của quốc hội.
Thêm cầu nối cho thị trường Việt Nam
Thanh Niên đã phỏng vấn riêng bà Nguyễn Thị Thục, Chủ tịch sáng lập SVBG. Sau đây là chia sẻ của bà về "cổng kết nối" vừa được
người Việt thành lập:
Thưa bà, ưu thế nổi bật của SVBG là gì, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi thế gì khi trở thành thành viên của hội?
Quan hệ kinh tế song phương đang diễn ra tốt đẹp nhờ quan hệ ngoại giao hữu nghị, thân thiện giữa 2 quốc gia suốt nửa thế kỷ qua. Bên cạnh đó là sự quý mến lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Tại hội thảo, Chủ tịch SVBG Nguyễn Thị Thục chia sẻ món quà bất ngờ của một doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, nhà may Faifo ở Việt Nam, thuộc công ty Faifo International Franchising LLC, có nhã ý gửi tặng các diễn giả mỗi người một áo sơ mi may đo theo kích cỡ từng người, sử dụng vải linen chất lượng tốt nhất. Ban tổ chức CCIG gửi lời tri ân sự chu đáo của nhà may Việt Nam.
|
Tuy nhiên, mức quan hệ hiện tại (tổng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của Thụy Sĩ ở Việt Nam khoảng 2 tỉ USD, thương mại song phương hơn 3,3 tỉ USD) có thể nói chưa phản ánh được tiềm năng thực sự là còn dưới tiềm năng rất nhiều, khi mà hai nước có những đặc thù tự nhiên và kinh tế có thể hỗ trợ cho nhau rất tốt, từ khía cạnh thị trường, nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên, cho đến trình độ
giáo dục,
công nghệ, sản xuất và chế tạo.
Thụy Sĩ là quốc gia rất mạnh về đầu tư ra nước ngoài, họ đứng thứ 6 trên thế giới về tổng vốn đầu tư ở nước ngoài hiện nay. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản các doanh nghiệp nước này ở nước ngoài là 1.467 tỉ CHF (hơn 1.600 tỉ USD). Hãy nhìn tương quan dân số Việt Nam trong thế giới, so với con số 2 tỉ USD ở VN trong tổng số 1.600 tỉ USD của Thụy Sĩ ở nước ngoài thì chúng ta thấy ngay hiện thực “dưới mức tiềm năng”.
Nhiều doanh nghiệp lớn của Thụy Sĩ đã có mặt ở Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ - có số lao động dưới 250 người, vốn chiếm hơn 99,5% tổng số doanh nghiệp của Thụy Sĩ - thì không có nhiều điều kiện để khám phá các thị trường xa xôi như Việt Nam. SVBG ra đời là để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chứ không có tham vọng giúp các tập đoàn lớn. Khi một doanh nghiệp ra nước ngoài, kể cả khi có dành thời gian tìm hiểu bao lâu về nơi muốn đầu tư thì doanh nghiệp đó cũng khó lòng biết hết các tập quán, đường đi nước bước và con người ở đó như một người địa phương được. SVBG và các đối tác chuyên gia của mình sẽ là những "người địa phương" giúp đỡ "người nước ngoài", tạm hiểu nôm na là vậy.
Và không chỉ nhắm vào các SME của Thụy Sĩ, SVBG với tư cách là « Nhịp cầu » sẽ chung tay cùng các doanh nghiệp Việt Nam tìm cách tiến ra bên ngoài, từ xuất khẩu hàng hóa cho đến tìm kiếm đối tác hợp tác công nghệ sản xuất và vốn đầu tư.
Khi trở thành thành viên của SVBG, doanh nghiệp được hưởng những quyền lợi ưu tiên như được tiếp cận hệ thống dữ liệu thành viên của Hội, được tham dự một số hoạt động mang tính chất thông tin riêng cho hội viên, được ưu tiên xuất hiện tại các sự kiện, được hưởng giá ưu đãi cho các dịch vụ mà SVBG và các đối tác cung cấp…
WHO vừa cảnh báo vẫn còn quá sớm để nói rằng dịch Covid-19 sẽ chấm dứt vào cuối năm 2021. Trong môi trường không quá thuận lợi cho hoạt động kinh doanh như hiện tại, hội đã dự báo được khó khăn gì trong thời gian tới và có hướng giải quyết như thế nào?
Đại dịch
Covid-19 hạn chế việc đi lại toàn cầu khiến doanh nghiệp càng phải chủ động tìm kiếm các cơ hội mới. SVBG giúp họ tìm kiếm cơ hội bằng việc đưa thông tin, giới thiệu con người cho họ qua các hội thảo, các cuộc tọa đàm và nhiều hình thức giới thiệu, kết nối khác.
Khi mà việc đi lại còn bị hạn chế, sự tiếp xúc trực tiếp gần như khó lòng thực hiện được thì chúng ta đành dùng phương tiện trực tuyến thôi.
Chẳng hạn khi tôi vận động CCIG tổ chức hội thảo về Việt Nam từ tháng 8.2020 và đến cuối tháng 9 họ trả lời đồng ý thì hình thức hội thảo khi đó được quyết định là trực tiếp.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 10, đại dịch bùng phát trở lại ở châu Âu, đơn vị trung gian giữa tôi và CCIG là Văn phòng luật Schifferli & Associés trở nên nản chí, một phần vì họ cũng quá bận, nên đề nghị hủy kế hoạch. Tôi phải vận động Luật sư Pierre Schifferli đổi lịch họp bàn giữa 3 bên và chuyển hội thảo sang hình thức trực tuyến. CCIG khi đó đã trở nên quan tâm đến Việt Nam, nên họ rất quyết tâm và vẫn để ngỏ khả năng tổ chức trực tiếp nếu tình hình dịch cải thiện. Nhưng tình hình không khá lên, thì chúng tôi làm trực tuyến thôi.
Tất nhiên có một số việc không thể thực hiện qua trực tuyến được thì chúng ta đành phải chờ trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị cho thời khắc xuất phát khi mở cửa.
Xin cám ơn bà đã chia sẻ!
Bình luận (0)