Sáng 17.2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp. Chủ trị hội nghị có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Vấn đề mà nhiều hiệp hội doanh nghiệp đều phản ánh là vay vốn ngân hàng vẫn khó khăn và lãi suất quá cao.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn đang phát triển tốt. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành lương thực thực phẩm vốn kết hợp với ngành nông nghiệp luôn ở mức thấp. Đã thế hiện nay, lãi suất cho vay của ngân hàng trên 10% khiến cho lợi nhuận của các công ty bị hạ xuống đến 50 - 70% so với trước.
"Có một số doanh nghiệp vừa và lớn của ngành chiếm đến 40% lượng hàng hóa của cả nước, đã có thương hiệu mấy chục năm, đầu tư công nghệ tiên tiến nhưng hiện cũng quá khó khăn về tài chính và đang bị doanh nghiệp nước ngoài săn mua. Các doanh nghiệp đều khẳng định, không ai muốn bán mình sau mấy chục năm xây dựng. Nhưng tình hình này kéo dài thì quá khó khăn. Nếu các doanh nghiệp bị mai một là điều đáng tiếc của thành phố", bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - cho hay đầu năm nay, các doanh nghiệp rất cần vay vốn để hoạt động nhưng quá gian nan. Thông thường, đầu năm các ngân hàng đều thẩm định lại hồ sơ của doanh nghiệp để đưa ra hạn mức tín dụng. Nhưng nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước đây nên hạn mức cho vay giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhiều quy định cho vay siết chặt hơn cũng như lãi suất lên quá cao trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30 - 40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc. Vì vậy, ông Việt kiến nghị các ngân hàng cần linh hoạt hơn khi cho vay, nhất là với các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung, không chuyển doanh nghiệp vào nhóm nợ xấu...
Trong khi đó, một số doanh nghiệp ngành cơ khí điện lại "kêu" về chính sách hỗ trợ lãi suất của thành phố khiến họ điêu đứng. Cụ thể, chương trình kích cầu thông qua đầu tư triển khai của thành phố hơn 20 năm qua nhằm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển, trong đó có lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Thế nhưng, theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM - nhiều doanh nghiệp đã được thành phố phê duyệt hỗ trợ lãi suất nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa nhận được. Thậm chí, có hội viên chia sẻ họ phải bán nhà trả nợ cho ngân hàng, để doanh nghiệp không bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Bên cạnh đó, có công ty khác đang đàm phán để bán luôn cho các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ. Từ đó cũng khiến cho các đơn vị khác e ngại, không dám đầu tư khiến ngành công nghiệp hỗ trợ vốn được xem là nền công nghiệp cơ bản của thành phố khó phát triển.
Bình luận (0)