Doanh nghiệp Trung Quốc 'chơi chiêu' đối phó lệnh cấm vận của Mỹ

08/10/2022 18:06 GMT+7

Lĩnh vực công nghiệp quân sự của Trung Quốc đang tìm các nguồn đầu tư mới nhằm giảm tác động từ những lệnh cấm vận của Mỹ.

Trung Quốc xây dựng quân đội khiến Mỹ lo ngại và giới hạn đầu tư vào những công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc

Ảnh chụp màn hình nikkei asia

Giới quan sát cho rằng những công ty công nghiệp liên quan quân sự tại Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng lớn từ những lệnh cấm vận của Mỹ, khiến Trung Quốc phải nỗ lực tăng cường khả năng tự chủ.

Những lệnh cấm vận đưa ra vào cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và tiếp tục dưới nhiệm kỳ người kế nhiệm Joe Biden buộc tất cả những nhà đầu tư Mỹ phải rút khỏi các công ty Trung Quốc bị coi là có liên hệ với quân đội nước này.

Thời hạn rút vốn là ngày 3.6, sau một năm thông báo. Chỉ vài ngày trước thời hạn trên, chính quyền của Tổng thống Biden âm thầm nới lỏng các điều khoản, cho phép những nhà đầu tư giữ cổ phần, dù họ bị cấm bán nếu chưa được Washington thông qua.

Tác động lớn

Khó nắm bắt hết tác động toàn diện của những lệnh cấm vận, nhưng một nghiên cứu của Nikkei Asia đối với 40 công ty niêm yết trong số 68 công ty có trong danh sách đen cho thấy những thay đổi lớn trong cấu trúc cổ phần.

Trong số 40 công ty đó có 21 công ty đã có số cổ đông sụt giảm. China SatCom mất gần 10% cổ đông trong một năm, trong khi Tập đoàn Công nghiệp máy bay Tây An mất hơn 20%.

Mỹ thêm 103 công ty Trung Quốc, Nga vào danh sách đen

Số lượng cổ phiếu hạng A do các nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ thông qua chương trình Kết nối Chứng khoán Hồng Kông - một trong hai kênh chính để dòng vốn nước ngoài chảy vào các công ty niêm yết của Trung Quốc đại lục - cũng giảm đáng kể.

Trong số 29 công ty mở cửa đối với đầu tư thông qua kênh này, 21 công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm so với tháng 9 năm ngoái.

Tìm nguồn vốn mới

Báo Nikkei Asia mới đây đưa ví dụ về tổ hợp công nghiệp – quân sự Trung Quốc (CMIC) xoay xở trước những lệnh cấm vận của Mỹ là trường hợp China Satcom, công ty con của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC).

Dưới lệnh cấm vận của Mỹ, China Satcom đang chuẩn bị bán trực tiếp 400 triệu cổ phiếu mới và đã mở một tài khoản ngân hàng cho nguồn vốn dự kiến.


Mỹ đưa thêm 5 công ty hỗ trợ quân đội Trung Quốc vào danh sách đen

“Quy trình liên quan việc bán trực tiếp đang triển khai một cách có trật tự”, chủ tịch Li Zhongbao của công ty phát biểu với các nhà đầu tư tại một hội nghị trực tuyến hôm 16.9.

China Satcom và cổ đông nắm quyền điều khiển là CASC nằm trong số 68 công ty thuộc lĩnh vực quân sự - công nghiệp của Trung Quốc bị Mỹ cấm vận, khiến các nhà đầu tư Mỹ muốn hỗ trợ tài chính cho họ gặp trở ngại.

Thế nhưng, trong khi những hạn chế khiến các công ty gặp khó khăn về tăng trưởng, Bắc Kinh đang cố hết sức lấp đầy khoảng trống và giữ lĩnh vực chiến lược này đi đúng hướng.

Theo giáo sư Tai Ming Cheung tại Đại học California ở San Diego (Mỹ), lệnh cấm vận của Mỹ thực sự có ảnh hưởng đến những công ty Trung Quốc do sự lệ thuộc vào nguồn vốn Mỹ. Điều này khiến Trung Quốc phải nỗ lực về tự chủ.

“Chính phủ Trung Quốc đã gia tăng đáng kể hỗ trợ cho những công ty này, thông qua thị trường chức khoán trong nước và hỗ trợ của chính phủ. Họ hy vọng rằng trong vài năm tới, những công ty này của Trung Quốc có thể khôi phục phát triển công nghệ bất chấp những tác động này”, chuyên gia này nhận định.

Sáp nhập, hỗ trợ của nhà nước

Các nhà đầu tư do nhà nước hậu thuẫn tại Trung Quốc đang cố lấp đầy khoảng trống. Một quỹ đầu tư do Bộ Tài chính nước này dẫn đầu đã tích cực mua cổ phần của các công ty bị Mỹ cấm vận và trở thành cổ đông lớn thứ 5 tại Jonhon Optronic Technology, công ty niêm yết tại Thâm Quyến chuyên sản xuất thiết bị viễn thông quang học.

Quỹ trên còn là cổ đông lớn tại những công ty khác, trong đó có Heavy Machinery, công ty sản xuất gang và máy thủy lực, và Aerospace CH UAV, công ty sản xuất máy bay không người lái (UAV) thuộc CASC.

Bên cạnh đó, những kế hoạch sáp nhập cũng đang được triển khai đối với những công ty bị Mỹ cấm vận. China Avionics Systems, một công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), cho biết đã được Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc thông qua việc thâu tóm công ty Electromechanical Systems cũng thuộc AVIC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.