Doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại trước Sora của OpenAI

21/02/2024 09:16 GMT+7

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), mô hình chuyển văn bản thành video Sora của OpenAI đang khiến cộng đồng công nghệ Trung Quốc "đứng ngồi không yên".

Theo SCMP, nhiều lãnh đạo trong ngành công nghệ Trung Quốc tỏ ra phấn khích lẫn lo ngại về thành tựu mới nhất của OpenAI. Yin Ye - CEO tập đoàn nghiên cứu gen BGI đã ví von Sora chính là "khoảnh khắc Newton" của lĩnh vực AI. Khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm 2022, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tự tin rằng họ sẽ bắt kịp vì chatbot này chỉ tập trung vào ngôn ngữ và văn bản. Nhưng Sora đã chứng minh rằng thế giới số thực sự có thể kết hợp với các định luật vật lý trong thế giới thực, ông Ye nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại trước Sora của OpenAI- Ảnh 1.

Hình ảnh voi ma mút trong đoạn video mà Sora tạo ra

Chụp màn hình

Trong khi đó, Zhou Hongyi - CEO công ty 360 Security Technology nhận định khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực AI sẽ nới rộng hơn nữa nếu OpenAI đang nghiên cứu các "vũ khí bí mật" khác. Ông Zhou cho biết các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) hàng đầu của Trung Quốc chỉ mới tiệm cận với GPT-3.5 của OpenAI và vẫn còn cách biệt khoảng 1,5 năm so với GPT-4.

Mặt khác, một số doanh nhân Trung Quốc cho rằng khả năng của Sora đang được phóng đại. Trong buổi phỏng vấn với Shang Securities News, Fang Han - CEO hãng game Kunlun Tech cho biết những video demo mà Sora cung cấp vẫn chưa đạt được những bước đột phá lớn trong việc hiểu biết thế giới. Theo ông Han, khoảng cách giữa Sora và các công cụ chuyển văn bản thành video do Trung Quốc phát triển không lớn như trong lĩnh vực LLM.

OpenAI được định giá ở mức 80 tỉ USD

Những nhà đầu tư Trung Quốc đang xem sự xuất hiện của Sora là một tín hiệu tích cực cho thị trường. Công ty chứng khoán Ping An nhận định sự phát triển nhanh chóng của LLM cùng với AI tạo sinh sẽ thúc đẩy cho sự phát triển sức mạnh tính toán (computing power) ở Trung Quốc và thế giới, đồng thời lợi ích sẽ lan tỏa sang các ngành công nghiệp khác như thuật toán và an ninh mạng. Tuy nhiên, Ping An cũng cảnh báo về rủi ro chuỗi cung ứng nếu Mỹ tiếp tục hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt có thể thúc đẩy tham vọng tự chủ trong sản xuất chip của Trung Quốc nhưng những mẫu chip nội địa hiện có vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Vào năm 2022, Mỹ ra lệnh Nvidia ngừng bán chip A100 và H100 sang Trung Quốc. Tiếp đó, Nvidia đã ra mắt loại chip có hiệu năng thấp hơn như A800 và H800 để lách luật. Đến tháng 10.2023, hai loại chip này bị Mỹ đưa vào danh sách cấm xuất khẩu. Vào tháng 11.2023, Nvidia tiếp tục ra mắt 3 mẫu GPU mới - H20, L20 và L2 dành riêng cho khách hàng Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.