Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa số nằm ở mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng
Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm, đơn vị thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) mới đây có báo cáo thị trường lao động quý III năm 2022 dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực của hơn 23.500 lượt doanh nghiệp và hơn 65.000 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Theo đó, nhu cầu nhân lực phân theo các mức lương từ dưới 5 triệu đồng đến trên 20 triệu đồng/tháng. Cụ thể, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực ở mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng (chiếm 6,8% tổng nhu cầu) với các vị trí việc làm như nhân viên phục vụ, bán hàng, thực tập sinh, nhân viên kinh doanh.
Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa số nằm ở mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng (chiếm 44,33%) ở các vị trí như nhân viên thu mua, văn phòng, hành chính nhân sự, kỹ thuật viên điện, điện tử.
Mức từ trên 10 - 15 triệu đồng/tháng (chiếm 28,10%) tuyển dụng các vị trí như chuyên viên kinh doanh bất động sản, chuyên viên tài chính - bảo hiểm, chuyên viên chăm sóc khách hàng, thiết kế đồ họa...
Mức lương từ trên 15 - 20 triệu đồng/tháng (8,11%), doanh nghiệp tuyển dụng ở các vị trí có trình độ chuyên môn, tay nghề cao như chuyên viên marketing, trưởng nhóm kinh doanh - bất động sản, trưởng bộ phận kỹ thuật, kế toán trưởng...
Còn ở mức lương trên 20 triệu đồng/tháng (12,6%), doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng các vị trí như giám đốc, trưởng nhóm, trưởng phòng...
Chỉ 0,68% người lao động có nhu cầu tìm việc mức 5 triệu đồng/tháng
Trong khi đó, rất ít người lao động có nhu cầu tìm việc mức 5 triệu đồng/tháng (0,68%), chủ yếu là ở các vị trí lao động phổ thông như phục vụ, bảo vệ, thực tập sinh.
Nhu cầu tìm việc của người lao động tập trung mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng (13,14%), trên 10 - 15 triệu đồng/tháng (26,96%), trên 15 - 20 triệu đồng/tháng (18,19%) và từ 20 triệu đồng/tháng trở lên chiếm tới 41,03%, ở các vị trí như: nhân viên kinh doanh, kế toán, quản lý nhà hàng, nhân viên hành chính nhân sự, kỹ sư cơ khí, chuyên viên marketing...
Một điểm đáng lưu ý khác theo báo cáo của Trung tâm chính là nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đã qua đào tạo chiếm 86,33% tổng nhu cầu nhân lực, còn lại là nhu cầu tuyển lao động chưa qua đào tạo.
Trong khi đó, nhu cầu tìm việc làm của người lao động đã qua đào tạo chiếm tới 99,04% tổng nhu cầu, còn lại (0,96%) là trình độ chưa qua đào tạo và tập trung các ngành như công nhân, bảo vệ, tạp vụ...
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện cả nước đang phục hồi sản xuất kinh doanh, đi kèm theo đó là nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. Tuy vậy, qua ghi nhận tại TP.HCM cho thấy các doanh nghiệp hiện nay rất thiếu lao động, nhiều điểm chưa gặp nhau trong cung - cầu lao động.
Thu nhập bình quân của lao động tại TP.HCM tăng cao nhất nước
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê quý III năm 2022, thu nhập bình quân người lao động vùng Đông Nam Bộ được cải thiện nhiều nhất. Trong đó, lao động làm việc tại TP.HCM có mức tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng từ 5,7 lên 9,2 triệu đồng (tăng 3,5 triệu đồng, tương ứng 60,3%) theo cùng kỳ từ năm trước đến năm nay.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2022 tại TP.HCM được duy trình ở mức thấp, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại địa phương cũng không cao.
Tuy nhiên, TP.HCM (cùng với TP.Hà Nội) là hai địa phương xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ nhiều nhất (tức số lao động không tuyển dụng được hoặc tuyển dụng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu công việc của doanh nghiệp - PV), chủ yếu ở các doanh nghiệp ngành dệt may - giày da; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính...
Bình luận (0)