Vốn vẫn khó chảy
Nói về tình trạng vay vốn của doanh nghiệp (DN) hiện nay, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho hay tình trạng vẫn như cũ. Cụ thể, hạn mức tín dụng của công ty từ đầu năm đã bị giảm xuống do ngân hàng (NH) định giá lại tài sản đảm bảo. Quan trọng hơn, hiện các NH chỉ cho vay vốn ngắn hạn với hợp đồng dưới 1 năm. Riêng với nhu cầu vay trung dài hạn, từ 2 - 3 năm để đầu tư máy móc thiết bị thì bị "đứng bánh". NH không từ chối thẳng những hồ sơ này mà chỉ nói để xem xét.
Đồng thời, lãi suất (LS) cho vay khoản dài hạn này được báo lên 10,8 - 11%/năm, cao hơn nhiều so với LS cho vay ngắn hạn đã được giảm xuống còn 8 - 8,5%/năm. "Công ty chúng tôi vẫn còn vay được nhưng hạn mức đã giảm xuống, còn nói đến vay trung dài hạn là không được. Có vẻ NH rất sợ vì khó đánh giá chính xác được tình hình hoạt động dài hạn sắp tới của DN có ổn định lại hay không. Còn nhiều DN trong ngành dệt may vẫn gặp khó nếu muốn vay vốn, có đơn vị đã trả hết hợp đồng cũ nhưng không được vay mới do kinh doanh sụt giảm thì càng mệt hơn", ông Việt nói.
Trong khi đó, bà A.T, giám đốc một DN xuất khẩu thủy sản tại TP.HCM, xác nhận hiện tại công ty cũng không muốn vay do đơn hàng giảm mạnh và LS vẫn còn cao. Thậm chí ngay cả có NH tích cực chào cho vay với LS tốt hơn nhưng DN chưa có nhu cầu. "Với nhiều đối tác, bạn bè tôi thì việc vay vốn vẫn bế tắc. Bởi các NH vẫn giữ nguyên điều kiện cho vay như yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính gần nhất có lãi hay dòng tiền kinh doanh dương. Trong khi có nhiều đơn vị trong 6 tháng đầu năm nay vẫn còn thua lỗ, hàng tồn kho cao nên hồ sơ vay bị từ chối như từ trước", bà A.T nói.
Ông Lê Minh Thiện, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, cũng chia sẻ LS cho vay có hạ nhiệt nhưng nhiều DN không có nhu cầu vay vì đơn hàng chưa nhiều. Riêng với các DN xuất khẩu, LS cho vay USD vẫn duy trì trên 4 - 5%/năm. Đây là mức LS rất cao khiến các DN gặp nhiều khó khăn. Vì vậy DN rất mong có chính sách giảm LS cho vay USD để giảm được chi phí hoạt động.
Có thể thấy, nhiều DN đủ điều kiện thì không vay và ngược lại, công ty muốn vay lại không đủ điều kiện. Theo NH Nhà nước (NHNN), đến hết tháng 6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Mức tăng trưởng này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt tín dụng tại TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đạt trên 3,3 triệu tỉ đồng, tăng 3,5% so với cuối 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ. So với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 là 9,3% thì mức tăng trưởng tín dụng hiện nay chỉ bằng khoảng 1/3. Điều này cho thấy nguồn vốn đến tay DN, người dân hay vào nền kinh tế nói chung vẫn rất thấp, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Khổ vì gói hỗ trợ
Cuối tháng 7, NHNN đã có văn bản hướng dẫn các NH thương mại triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. NHNN cũng quy định LS cho vay bằng đồng VN thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức LS cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính NH cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Quy mô của chương trình dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng và thời gian triển khai đến hết ngày 30.6.2024. Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các NH và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.
Đến nay, đã có 12 NH đăng ký tham gia chương trình. Tuy nhiên, nhiều DN lâm sản, thủy sản cho biết chưa có nhiều thông tin về chương trình này. Theo ông Lê Minh Thiện, chương trình cho vay hỗ trợ LS này dù theo chỉ đạo của NHNN nhưng vẫn do các NH thực hiện từ nguồn vốn của chính họ. Bởi vậy DN chỉ chờ phía NH có thông tin cụ thể gì hay không. Nếu quy định ngặt nghèo thì sẽ khó có đơn vị nào vay được với mức LS thấp hơn vay thông thường. Chỉ có NH nào thiện chí, muốn cho vay thì mới giải ngân được.
Tương tự, với các DN ở TP.HCM, chương trình cho vay vốn kích cầu đầu tư đã bị tạm ngừng hơn 2 năm qua, đến nay vẫn chưa mở trở lại. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM, cho biết các DN đang rất trông chờ vào chương trình kích cầu đầu tư mới của TP, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thời gian qua, trong hội có 10 DN được UBND TP.HCM phê duyệt hồ sơ của chương trình, mức vay vốn từ 10 tỉ đến gần 100 tỉ đồng. Đáng nói sau đó, chương trình bị gián đoạn, DN chưa được hỗ trợ mà phải tự mình "gánh" nên không có nguồn tiền, cổ đông phải bán nhà để trả lãi. Có đơn vị sắp tới đến hạn trả vốn và lãi, nếu vẫn chưa được giải ngân hỗ trợ tiền lãi thì DN có nguy cơ phá sản.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định thực trạng DN khó khăn, thua lỗ cũng như không có nhu cầu vay vốn trong khi các NH công bố dư thừa tiền vẫn chưa có lời giải. Chính phủ đã công bố nhiều chương trình hỗ trợ DN, trong đó có các gói hỗ trợ LS về vay vốn, tuy nhiên việc thực hiện rất chậm. "Các chương trình cho vay hỗ trợ LS do nguồn vốn NH tự thực hiện giống như là hưởng ứng theo lời kêu gọi giảm LS từ NHNN. Vì vậy cần có hướng dẫn cụ thể và NH đã tham gia thì phải có động thái giải ngân thực sự. Nếu không, đó chỉ là lời hứa suông và sẽ khiến DN thất vọng", ông Chí nói.
Sở KH-ĐT TP.HCM và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho hay đã hoàn thành dự thảo chương trình cho vay kích cầu đầu tư và dự kiến sẽ trình HĐND TP trong kỳ họp tháng 9. Theo dự thảo, chương trình kích cầu đầu tư nâng hạn mức vay đối với 1 dự án lên 200 tỉ đồng; mức hỗ trợ LS vay có thể là 50% hoặc 100% tùy vào nhóm đối tượng cụ thể; thời gian hỗ trợ trong khoảng 5 - 7 năm. Chương trình sẽ được áp dụng cho DN ở nhiều lĩnh vực, từ công nghệ cao và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; sản xuất nông nghiệp - chế biến nông sản; chế biến lương thực, thực phẩm; hóa dược, cao su -nhựa; dệt may, da giày; cho đến các dự án đầu tư y tế, giáo dục, thể thao…
Bình luận (0)