Doanh nghiệp vẫn chờ... tiền

10/12/2022 06:17 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước công bố mở thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) từ 1,5 - 2% cho toàn hệ thống để gỡ ách tắc về vốn cho các doanh nghiệp . Thế nhưng, nhiều công ty vẫn chưa được giải ngân nhanh dù chỉ còn 3 tuần nữa là hết năm.

Ngân hàng Nhà nước bơm tiền ra thị trường

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hạn mức tín dụng tăng thêm cho năm nay từ 1,5 - 2% tương đương với 240.000 tỉ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cộng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm vẫn còn khoảng 1,8%. Như vậy, tổng cộng từ nay đến hết năm sẽ có khoảng 3,8% room tín dụng chờ giải ngân. Ước tính, sẽ có trên 400.000 tỉ đồng của hệ thống ngân hàng có thể bơm ra cho doanh nghiệp (DN).

Ngân hàng đã được nới room tín dụng và doanh nghiệp chờ vay vốn cuối năm

Nhật Thịnh

Song song việc nới room tín dụng, NHNN cũng có động thái bơm tiền ra thị trường với kỳ hạn dài hơn trước, lên 91 ngày. Cụ thể trong ngày 8.12, NHNN đã bơm ra thị trường hơn 3.528 tỉ đồng cho 9 thành viên. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, NHNN phải sử dụng đến giao dịch mua kỳ hạn dài lên đến 3 tháng.

Thông tin mở room, hỗ trợ thanh khoản của NHNN đang khiến nhiều DN thở phào nhẹ nhõm sau một thời gian dài căng thẳng khi hầu hết ngân hàng (NH) đều hạn chế cho vay hết quota. Những DN được liệt kê vào nhóm khách hàng mà NHNN muốn tập trung hỗ trợ như lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ… càng mong chờ sẽ được nhanh chóng có vốn để tăng tốc hoạt động trong tháng cuối cùng của năm. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vẫn chưa như kỳ vọng của DN.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, DN này vừa chủ động hỏi phía NH để được giải ngân vốn nhưng nhận được câu trả lời là chờ thông báo từ hội sở chính. Trong khi hồ sơ vay vốn của DN đã được phê duyệt từ đầu năm với hạn mức tín dụng cao và số vốn đã giải ngân vay chưa hết. Ở thời điểm cuối năm, nhưng mấy tháng qua công ty đã không dám dự trữ hàng hóa nhiều vì vốn khó khăn. Là DN xuất khẩu nên dòng vốn xoay vòng liên tục và cứ khi nào có đơn hàng lớn thì mình lại tăng vay vì chủ yếu là vốn lưu động. Công ty cũng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên vay vốn như Chính phủ công bố nhưng cũng gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn từ NH thời gian qua.

“Tôi cũng không biết đến khi nào mới có tiền vay từ NH nên thời gian này buộc phải thay đổi, không thể chờ nữa mà tự xoay xở và có bao nhiêu làm bấy nhiêu”, ông Tùng nói.

Nhưng các nhà băng mới chỉ mở “hé hé”

Ông T.H, Giám đốc một DN vận tải tại TP.HCM, lại rơi vào tình trạng tréo ngoe. DN được NH mời cho vay nhưng hồ sơ vay vốn công ty đã hoàn thiện sẵn lại nằm ở một NH khác. Mặc dù hạn mức tín dụng được phê duyệt trong năm khoảng 10 tỉ đồng, công ty chỉ mới vay khoảng 50% thì đã bị tạm ngưng vì hết room. Đến nay NH này vẫn chưa có thông tin gì mới. DN khi cần giải ngân vốn lưu động vẫn phải báo trước 3 - 4 ngày thay vì chỉ báo trước 1 ngày như trước đây. Quan trọng hơn ông cho rằng lúc này đơn hàng khá thấp nên DN cũng không có nhu cầu vay vốn mới, nhất là lãi suất đã được điều chỉnh lên cao hơn nhiều so với mức cũ trước đây.

“Lãi suất quá cao trong khi doanh số sụt giảm khiến DN không dám vay vốn. Mặc dù nhu cầu cuối năm có gia tăng nhưng chúng tôi đã giảm bớt người lao động và cũng chưa muốn mở rộng trở lại. Chúng tôi vẫn mong NHNN kiểm soát được lãi suất đầu vào để lãi suất cho vay không tăng quá cao vượt sức chịu đựng của DN”, vị này đề nghị.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, thì không giấu giếm sự thất vọng khi cho rằng trong số những ngành nghề kinh tế mà NHNN đã liệt kê để hướng dòng vốn ưu tiên sau khi nới room đã “bỏ quên” du lịch và hàng không.

“Mặc dù có nhắc đến ngành dịch vụ nhưng đây chỉ là một phần nhỏ của du lịch. Vì vậy nhiều NH cho rằng công ty không nằm trong lĩnh vực ưu tiên để cho vay đợt này. Còn nếu để nói rằng phải đáp ứng được đầy đủ quy định của NH thì hầu hết DN du lịch sẽ phải đứng ngoài. Bởi tài sản của DN lữ hành chủ yếu là thương hiệu, đội ngũ nhân sự. Đó là chưa kể trong mấy năm do bị dịch Covid-19, bao nhiêu tài sản đã có cũng đang được cầm cố trong các NH nên không còn gì để thế chấp nữa”, ông Kỳ giải thích và nhấn mạnh tất cả DN đều mong chờ được vay vốn từ NH. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và mũi nhọn, có tính lan tỏa cao nhưng vẫn bị đứng ngoài đợt nới room tín dụng này. Nếu để hỗ trợ cho hoạt động của DN du lịch hay cả hàng không thì chắc Chính phủ phải nêu rõ hoặc có cách nào đó chỉ cho DN tiếp cận được nguồn vốn vay. Nếu không thì coi như chính sách đã bỏ quên ngành du lịch.

Đẩy nhanh tốc độ giải ngân

Chỉ còn vỏn vẹn 3 tuần nữa là hết tháng 12. Vì vậy, chính sách nới room của NHNN được đánh giá là tích cực để đưa vốn vào nền kinh tế, giúp DN tăng tốc hoạt động và chuẩn bị cho khởi đầu một năm nới. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, quan trọng nhất là tốc độ giải ngân của các NH thương mại phải được đẩy nhanh hơn so với bình thường.

Theo NHNN, các NH thương mại cần hướng dòng vốn vào các lĩnh vực như nông nghiệp - nông thôn, DN nhỏ và vừa, DN phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Thủ tướng cũng có chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống của người dân. Từ trước đến nay, NHNN luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm và vẫn chỉ đạo các NH thương mại tạo điều kiện cho những lĩnh vực mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông cũng như có nguồn lực để người dân mua nhà.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định con số khoảng 400.000 tỉ đồng được đưa vào nền kinh tế có thể đáp ứng được nhu cầu vốn của DN trong tháng cuối năm nay. NHNN đã phân bổ vốn và có động thái gia tăng thanh khoản, hỗ trợ vốn cho hầu hết NH thương mại. Giờ chỉ còn là hoạt động cho vay từ phía các NH.

Theo ông, những hồ sơ tín dụng đã có sẵn của các DN đang chờ thì NH thương mại cần ưu tiên giải ngân luôn vì đã phê duyệt sẵn và đáp ứng yêu cầu của NH. Song song đó, cũng xem xét đẩy nhanh tốc độ đánh giá, phê duyệt hồ sơ mới của các ngành kinh doanh sản xuất mà NHNN đã hướng đến theo lĩnh vực ưu tiên. Việc giải ngân vốn cho DN càng sớm càng tốt vì thời gian không còn nhiều trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm, đặc biệt phục vụ cho nhu cầu mua sắm cho thị trường đang gia tăng.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính cũng cho rằng lúc này là thời điểm “nước sôi lửa bỏng” rồi, nếu NH nào còn chậm chạp, không giải ngân cho các DN vay thì có thể năm sau các DN cũng sẽ từ bỏ NH này. Vì khi họ cần mà NH không thể đồng hành được, nhất là sau khi NHNN đã nới room tín dụng. Bởi chậm một ngày là DN có khi mất cơ hội có thêm đơn hàng, chậm sản xuất thì không còn ai muốn gắn bó với NH đó nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.