Lãi vay cao, điều kiện khó
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 21.12 đạt trên 11,78 triệu tỉ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14%, hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng (NH) hiện nay còn khoảng 1%. Đó là chưa kể hạn mức tín dụng cấp thêm cho hệ thống NH vào tháng 11 lên 1,5 - 2%. Dư địa vốn nghe có vẻ “xông xênh” nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp (DN) vẫn không mấy dễ dàng. Đó là nghịch lý tồn tại trên thị trường hiện nay.
Nguồn vốn vẫn khó tiếp cận dù các ngân hàng đang dư tín dụng |
Ngọc Thắng |
Bà Nguyễn Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH T.N (TP.HCM), cho hay hiện nay bước vào mùa vụ mới để thả giống tôm nên DN rất cần vốn. Đầu tháng 12, khi tiếp xúc với một số NH, ngoài yêu cầu phải có tài sản đảm bảo thì DN được yêu cầu cung cấp thêm hồ sơ, báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, nhà băng yêu cầu tài sản đảm bảo phải có tại địa phương vay vốn. Công ty bà Thư có trụ sở tại TP.HCM và cơ sở chế biến tại Phú Yên và Đà Nẵng. Trước đây, muốn vay tại Đà Nẵng thì tài sản đảm bảo nơi nào cũng được, miễn đầy đủ trách nhiệm pháp lý. Thế nhưng NH hiện chỉ chấp nhận cho vay nếu có tài sản đảm bảo ngay tại địa phương. Tham khảo một số NH ở TP.HCM cũng tương tự, chỉ ưu tiên hơn cho đơn vị có tài sản đảm bảo ngay tại thành phố.
“Nhìn chung, hồ sơ vay hiện nay đều được hứa hẹn chờ sang năm mới nhưng không biết có được phê duyệt hay không. Ngoài DN, nhiều hộ nông dân có liên kết với công ty cũng đang khốn khổ vì sau khi tất toán hợp đồng vay cũ cũng không được vay lại, không có tiền mua con giống để thả cho vụ mới và điều này chắc chắn sẽ khiến nguồn cung tôm hùm trên thị trường năm sau sụt giảm mạnh. Cả DN lẫn người nông dân đều vất vả khi vẫn khó tiếp cận vốn vay từ NH”, bà Nguyễn Anh Thư nói.
Ông Trần Đức Nghĩa, giám đốc một công ty tại TP.HCM, từ bỏ ý định vay vốn khi NH đưa ra mức lãi suất vay quá cao, tới 12 - 13%/năm và đây cũng chỉ là mức lãi danh nghĩa ghi trên hợp đồng, thực chất trong quá trình làm hồ sơ thủ tục sẽ phát sinh các chi phí liên quan nên chi phí vốn lên đến 15 - 16%. “Với mức chi phí quá cao như vậy thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng không hiệu quả nên chúng tôi đành gác lại kế hoạch. Thật ra thì hoạt động của công ty cũng đang khó khăn, sản xuất co cụm nên chúng tôi tất toán luôn hợp đồng vay cũ”, ông Nghĩa nói. Theo ông, tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm 2023 dự báo sẽ khó khăn nên DN không lên kế hoạch mở rộng. Hy vọng những tháng cuối năm kinh tế khởi sắc hơn, lãi suất cho vay giảm hơn thì DN mới có thể đầu tư, kinh doanh được.
Trong khi đó, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (Long An), đơn vị hiện đang vay với lãi suất 9%/năm, cao hơn mức 7,5%/năm trong 6 tháng đầu năm 2022, thừa nhận vì hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực luôn được khẳng định ưu tiên nên đơn vị có liên hệ NH để được hỗ trợ lãi suất 2%. Thế nhưng sau nhiều tháng chờ đợi vẫn không đáp ứng được quy định để có thể hưởng sự hỗ trợ này. Bởi ngoài yêu cầu phải có tài sản đảm bảo thì phải có một số điều kiện như phương án kinh doanh, dòng tiền… mà HTX khó đáp ứng được.
Anh Thanh Bảo (nhân viên tín dụng NH trên địa bàn Q.3, TP.HCM) cũng không mấy mặn mà tư vấn cho khách hàng vay vì “qua năm 2023, tình hình lãi suất cho vay cũng “hên xui” thôi chứ chưa chắc giảm. Chỉ có điều hạn mức tín dụng được tính mới nên NH cũng thoải mái hơn vào những ngày đầu năm”. Theo anh Bảo, quy định hồ sơ vay vốn mua, sửa chữa nhà hiện nay cũng vẫn tối đa 70% giá thẩm định. Do đó, giá nhà đất giảm thì giá thẩm định giảm, dẫn đến khoản cho vay cũng giảm theo. Đối với những căn hộ chung cư chưa ra giấy tờ, NH nếu không có liên kết với chủ đầu tư thì cũng không thể cho vay được.
Có vốn không thể “tiêu”
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích: Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 12 gần 13% trong khi huy động vốn chỉ 6%, chứng tỏ huy động vốn của các NH rất chậm. Tăng trưởng tín dụng của các NH cũng có sự phân hóa rõ rệt ở các NH lớn và nhỏ nên vừa qua, NHNN cấp room chủ yếu cho các NH lớn, có nguồn vốn huy động giá rẻ để cho vay. Những tháng trước, NH nhỏ cho vay trung dài hạn nhiều dẫn đến tỷ lệ vốn cho vay vượt quy định. Vì thế, giờ họ tăng cường huy động để bù đắp thanh khoản chứ không thể tăng trưởng được tín dụng. Thêm vào đó, dự báo năm 2023 khó khăn nên các NH cũng thắt chặt các quy định về cho vay như giảm giá thẩm định, tài sản thế chấp nhiều hơn… Tất cả những yếu tố này dẫn đến DN khó tiếp cận với vốn vay NH.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định hiện nay khi lãi suất đã tăng lên cao nên các DN có nhu cầu thật sự thì mới tìm đến NH. Nhưng câu chuyện các DN vẫn khó tiếp cận vốn NH đã được nhắc đến và vẫn chưa có nhiều thay đổi. “NHNN công bố nới room tín dụng nhưng các NH thương mại có tiền để cho vay hay không? Điều này đồng nghĩa cung tiền trong hệ thống NH có gia tăng không? Chỉ khi nào cung tiền tăng thì việc nới room mới có ý nghĩa thật sự để NH có vốn cho DN vay phục vụ sản xuất kinh doanh và từ đó nền kinh tế mới có động lực tăng trưởng”, ông Nghĩa nói.
Đặc biệt, trong khi DN kêu lãi suất cao, khó tiếp cận vốn vay thì gói hỗ trợ tín dụng 40.000 tỉ đồng, lãi suất 2% lại “không thể tiêu” khi kết quả giải ngân vẫn còn thấp, chưa như kỳ vọng. Tình trạng này, theo ông Nghĩa, là do bản thân DN e ngại vì thủ tục giấy tờ quá nhiều và ngành NH cũng không mặn mà vì phải theo quy trình tạm ứng trước rồi quyết toán sau. Đó là chưa kể khi nguồn vốn có hạn thì NH có tâm lý ưu tiên giải ngân cho các khách hàng cũ mà không cần phải làm thủ tục liên quan đến việc hỗ trợ lãi suất 2%. TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị cần phải xem xét thay đổi các quy định có liên quan về điều kiện được vay vốn hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ. Phải có giải pháp phù hợp và đơn giản hơn cho cả phía khách hàng vay lẫn các nhà băng. Trong đó có thể chuyển sang hỗ trợ thông qua cơ quan quản lý thuế thuộc Bộ Tài chính.
Bình luận (0)