Số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tăng rất nhanh từ khi luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực (1.7.2015).
Nhưng tại hội thảo về thực tế triển khai luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức ngày 23.11 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai vẫn có những vướng mắc, lúng túng nhất định.
Doanh nghiệp đăng ký tăng đột biến
“Lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) tăng đột biến kể từ khi luật DN có hiệu lực đến nay”, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận xét trước khi dẫn số liệu, kể từ 1.7 đến 20.11.2015, tổng số DN thành lập mới đạt 40.880 DN, tăng khoảng 30%. Hồ sơ DN đăng ký thay đổi trong thời gian này là 134.570 hồ sơ, tăng 151% so với cùng thời gian năm trước. Số vốn DN đăng ký thành lập cũng tăng tới 34%. “Số lượng DN đăng ký thành lập tăng nhanh có phần quan trọng do kinh tế vĩ mô ổn định, phục hồi, niềm tin vào cơ hội kinh doanh tăng lên nhưng tôi tin rằng, có tác động không nhỏ của những cải cách về chính sách, thủ tục ĐKDN”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, một loạt các cải cách thủ tục như liên thông, tự động ĐKDN về hồ sơ, con dấu, mã số thuế... khiến DN khi đăng ký không cần phải đến cơ quan thuế, thời gian thành lập DN giảm còn rất thấp: trung bình chỉ mất 2,9 ngày.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng điều quan trọng nhất là luật DN mới đã triệt tiêu khái niệm “kinh doanh trái phép”. Trước đây, DN nếu kinh doanh những gì không có trong giấy đăng ký kinh doanh dễ bị coi là trái phép, nhiều trường hợp bị xử tù. Với những quy định như bỏ việc ghi ngành nghề kinh doanh theo giấy phép, DN được tự do kinh doanh những lĩnh vực mà nhà nước không cấm, đã phá bỏ những nguy cơ, rủi ro cho DN, người dân.
Tuy nhiên, theo ông Cung, do luật mới triển khai, quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực vẫn chưa thay đổi, vẫn theo tinh thần “DN chỉ được làm theo quy định”. Vẫn chưa có cơ chế tốt để DN kiện nếu như cơ quan quản lý làm sai quy định. Đâu đó vẫn có những nơi duy trì thói quen quản lý cũ, kinh doanh lĩnh vực nào trái với hiểu biết, năng lực quản lý của cơ quan nhà nước, vẫn bị gây khó khăn.
Luật một đằng, hướng dẫn một nẻo
Theo ông Bùi Anh Tuấn, con dấu - vốn là một biểu tượng quyền lực quản lý nhà nước, ăn sâu vào tiềm thức doanh nhân, trong những tháng qua đã thay đổi rất nhanh. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng DN đăng ký mẫu dấu mới tăng rất mạnh. Hằng tháng có khoảng 10.000 DN đăng ký mẫu dấu mới trên cổng đăng ký DN quốc gia. Tổng cộng đã có gần 52.000 DN có mẫu dấu mới. Những tháng gần đây đã có những thay đổi: con dấu có thể to ra, nhiều hình thức mới như ở Hải Phòng đã có con dấu hình hoa phượng, ở Hà Nội có DN kinh doanh rượu thì làm dấu hình chai rượu.
Tuy nhiên, ngay ở vấn đề con dấu, theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự, trong khi luật DN, điều 44 quy định: thông báo mẫu dấu là một nghĩa vụ hành chính của DN, DN thông báo hay không thông báo mẫu dấu không làm phát sinh hay mất hiệu lực của con dấu nhưng Nghị định 78 hướng dẫn luật DN lại quy định buộc DN khi gửi mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh, phải thông báo thời điểm có hiệu lực của con dấu. Một số cơ quan đăng ký kinh doanh còn yêu cầu DN chỉ được đăng ký thời điểm có hiệu lực của con dấu là sau 3 ngày sau khi thông báo mẫu dấu mới. Thậm chí DN còn được hướng dẫn chỉ được sử dụng con dấu khi mẫu dấu được đăng tải trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia.
Một số đại biểu dự hội thảo cũng nêu, trong luật DN 2014 đã không quy định DN phải đăng ký mã ngành nghề kinh doanh nhưng Nghị định 78 lại yêu cầu DN lựa chọn ngành kinh tế trong hệ thống ngành kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Cung ghi nhận và cho rằng Tổ công tác thi hành luật DN và luật Đầu tư 2014 sẽ còn phải làm việc rất nhiều để tiếp thu, chỉnh sửa các quy định hướng dẫn để việc triển khai các luật này có tính khả thi cao và thông suốt trong thời gian tới.
Bình luận (0)