Doanh nghiệp vận tải biển sợ tăng phí

06/08/2014 09:00 GMT+7

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển đều lo lắng khi biết rằng phí, lệ phí có thể sẽ tăng thêm hơn 6% so với biểu phí cũ.

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển đều lo lắng khi biết rằng phí, lệ phí có thể sẽ tăng thêm hơn 6% so với biểu phí cũ.

Doanh nghiệp vận tải biển sợ tăng phí
Bốc xếp hàng hóa ở cảng Hải Phòng - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Tại hội nghị đối thoại trực tuyến doanh nghiệp (DN) cảng biển, vận tải biển do Bộ GTVT tổ chức sáng 5.8, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Đỗ Xuân Quỳnh cho biết, do cước vận tải giảm mạnh nên hầu hết các chủ tàu đều phải khai thác dưới giá thành, thậm chí lỗ, nhiều chủ tàu phải dừng khai thác, dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng để duy trì sản xuất kinh doanh cũng như phát triển đội tàu. Ông Quỳnh đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ vốn ưu đãi cho các chủ tàu, đồng thời chưa nên tăng phí, lệ phí.

Tăng phí vì thu không đủ chi

Trong khi đó, Tổng giám đốc cảng Đà Nẵng Nguyễn Hữu Sia lại kiến nghị tăng phí, lệ phí liên quan đến hạ tầng như phí cầu cảng để tăng nguồn thu cho cảng. Ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, thì đề nghị nhanh chóng ban hành giá sàn cảng biển cho cảng TP.HCM và Hải Phòng, tránh tình trạng phải cạnh tranh bằng việc hạ giá như nhiều năm nay. Ông Thuấn cũng đề nghị sớm ban hành mức thu phí và lệ phí hàng hải mới, cũng như ban hành biểu giá sàn mới cho cảng Cái Mép - Thị Vải cao hơn ít nhất 5% so với khu vực TP.HCM.

Phí và lệ phí hiện nay đang trong tình trạng thu không đủ chi. Một năm chỉ thu được 800 - 850 tỉ đồng, trong khi chỉ riêng tiền nạo vét luồng hằng năm đã lên tới 650 tỉ đồng, nên vẫn phải dùng ngân sách nhà nước cấp cho nạo vét luồng, duy tu luồng lạch, đèn biển, phao tiêu...

Ông Nguyễn Nhật
Cục trưởng Cục Hàng hải

Trả lời Thanh Niên bên lề hội nghị, Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật cho biết Cục đã trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi, dự kiến trong tháng 10 sẽ trình Chính phủ để thay đổi phí, lệ phí do phí và lệ phí hàng hải được ban hành từ năm 2008, tính tới nay đã 6 năm, các đơn giá đã tăng nên phải rà soát, sửa đổi cho phù hợp. Cũng theo ông Nhật, phí và lệ phí hiện nay đang trong tình trạng thu không đủ chi. Một năm chỉ thu được 800 - 850 tỉ đồng, trong khi chỉ riêng tiền nạo vét luồng hằng năm đã lên tới 650 tỉ đồng, nên vẫn phải dùng ngân sách nhà nước cấp cho nạo vét luồng, duy tu luồng lạch, đèn biển, phao tiêu…

Lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết thêm việc điều chỉnh sẽ có tăng, giảm với từng loại phí, lệ phí. Hiện có 2 loại lệ phí (gồm lệ phí thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh cho tàu), phí gồm trọng tải phí, phí luồng lạch, hoa tiêu, neo đậu của tàu và hàng, phí cập tàu. “DN khai thác cảng đang đề xuất tăng phí cập tàu để tăng nguồn thu, phí hành khách qua cầu cảng cũng đang quá rẻ, do chưa có cầu cảng riêng cho khách nên đang sử dụng chung với cầu hàng, phí hoa tiêu cũng phải tăng. Tuy nhiên, Cục đã xem xét giảm một số phí như phí neo đậu. Mức tăng trung bình không cao, khoảng 6 - 6,5% so với trước đây, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động vận tải hàng hải”, ông Nhật nói.

Đàm phán lại phí với chủ tàu nước ngoài

Nêu lên những khó khăn khi bị các hãng tàu nước ngoài bắt bí nhiều khoản phí và lệ phí cao, đại diện Hiệp hội Chủ hàng VN chia sẻ, khoảng năm 2001 các hãng tàu nước ngoài mới “rung để dọa”. Nhưng tới năm 2007, bất chấp sự phản đối của các DN chủ hàng trong nước, họ vẫn đơn phương áp dụng nhiều loại phí, lệ phí mới, gây khó khăn cho DN. Ông này đề nghị Bộ GTVT và các bộ liên quan nghiên cứu để ra chính sách cấm các tàu nước ngoài thu thêm lệ phí, mà chuyển vào giá cước hàng hóa, việc này đã được nhiều nước thực hiện như Sri Lanka đã áp dụng từ đầu năm 2014.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho hay thị phần vận tải xuất nhập khẩu của đội tàu trong nước chỉ chiếm khoảng 10 - 12% tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của VN, phần rất lớn còn lại đều lọt vào tay đội tàu nước ngoài. Thị phần vận tải nội địa vẫn là độc quyền của các hãng tàu trong nước. Trước đây do năng lực hạn chế nên có cấp phép cho tàu nước ngoài và tàu mang cờ nước ngoài, nhưng Bộ GTVT đã có chính sách siết lại nên năm 2012 vẫn còn 30 tàu nước ngoài tham gia thị trường nội địa thì tới nay chỉ còn 2 tàu. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Công, việc bỏ trống thị phần vận tải xuất nhập khẩu cho đội tàu ngoại khiến các DN trong nước bị lệ thuộc. “Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng và DN xuất nhập khẩu lớn, nhưng cái khó là đội tàu VN tải trọng lớn rất ít, cộng thêm tập quán mua FOB bán CIF, nên dù DN chủ hàng ủng hộ chủ trương nhưng tàu trong nước vẫn chưa đáp ứng được”, ông Công nói.

Cục Hàng hải cũng cho rằng, DN logistics của VN vẫn đang là người ngoài cuộc, nhưng bất cập này không dễ giải quyết, vì phần lớn các nhà xuất khẩu của VN đều gia công hoặc xuất hàng cho những khách hàng lớn như Nike, đều đã có hợp đồng dài hạn với các công ty logistics toàn cầu. Dù không thể trực tiếp can thiệp yêu cầu các chủ tàu nước ngoài giảm, bỏ các loại phí, lệ phí, nhưng Cục Hàng hải cho biết sẽ cùng các DN họp với các chủ tàu nước ngoài đàm phán về các loại phí.

Cảng Cát Lái giảm phí về mức cũ

Trước phản ứng của DN về giá nâng container cho khách hàng tăng cao, ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, từ 7 giờ hôm nay 6.8, cảng Cát Lái sẽ giảm giá nâng container giao cho khách hàng theo mức cũ. Ông Thuấn cũng đề nghị Bộ GTVT tạo điều kiện cho Công ty Tân Cảng Sài Gòn gom các DN logistics, các DN kho bãi lại theo mô hình công viên logistics, làng logistics ở châu u, cung cấp dịch vụ hỗ trợ về hậu cần, giúp DN logistics hiện nay có sức cạnh tranh lớn hơn.

“Muốn mạnh hơn phải có sự liên kết”

Đội tàu biển VN hiện có khoảng 1.700 chiếc, nhưng chỉ có khoảng 400 chiếc chạy tuyến quốc tế, đa phần là tuyến Đông Nam Á, Trung Quốc. Theo Cục Hàng hải, dù có tới hơn 600 chủ tàu, nhưng VN chỉ đứng thứ 28 về vận tải biển trên thế giới. Đa số các chủ tàu là tư nhân, vay ngân hàng để hoạt động dẫn đến tồn số nợ đọng xấu ở khu vực vận tải biển rất lớn. Về lâu dài, phải “gom” các DN chủ tàu tư nhân lại với nhau thành những DN mạnh hơn về quy mô, đủ sức cạnh tranh và tham gia vào thị phần vận tải quốc tế.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng cho rằng: “Vì yếu hơn nước ngoài, nên các DN trong nước cần phối hợp, muốn mạnh hơn phải có sự liên kết. Các DN cũng phải tự nâng cao năng lực bốc xếp, đàm phán để nâng thị phần vận tải. Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương, VCCI hỗ trợ nâng cao năng lực đàm phán cho DN”.

Mai Hà

>> Thủ tướng chỉ đạo khắc phục quá tải tại cảng Cát Lái
>> Ngưng tiếp nhận hàng nhập về cảng Cát Lái
>> Cước vận tải biển tiếp tục tăng
>> Giá xăng tăng: Doanh nghiệp vận tải chưa nghĩ đến việc tăng giá cước
>> Xử lý nhiều DN, HTX không đủ điều kiện kinh doanh vận tải
>> TP.HCM kêu gọi đầu tư hệ thống bến bãi vận tải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.