Doanh nghiệp vận tải giả mạo hồ sơ để chở hàng quá tải

25/07/2016 16:27 GMT+7

Ngày 25.7, Sở GTVT Bình Thuận cho biết đang tổng hợp hồ sơ để gửi đến tỉnh Quảng Bình, Hải Phòng và Cục đường bộ IV điều tra xử lý DN Hải Sơn do dùng giấy tờ giả để vận chuyển hàng hóa quá tải.

Theo hồ sơ của TTGT Bình Thuận, từ tháng 7.2015 đến tháng 12.2015, Công ty TNHH vận tải cơ giới Hải Sơn (Công ty Hải Sơn, có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình) có 5 lần vi phạm về hành vi chở quá tải bị TTGT Bình Thuận xử phạt. Mỗi lần xử phạt thấp nhất là 15 triệu đồng, cao nhất là 41 triệu đồng. Trong số 5 lần vi phạm này thì có tới 3 lần tài xế của Công ty Hải Sơn lái xe “lụi” tức không có giấy phép lái xe (GPLX).
Sang năm 2016, liên tục từ tháng 5 cho đến ngày 24.7, TTGT Bình Thuận lại bắt giữ và xử phạt 5 lần cũng với hành vi chở quá khổ, quá tải đối các xe ô tô đầu kéo của Công ty Hải Sơn. Những lần xử phạt này mức thấp nhất từ 10 triệu đồng/lần, cao nhất tới 46 triệu đồng, phạt cả chủ xe và lái xe, tước GPLX tới 60 ngày.
Kết quả sau khi cân, xe của Công ty Hải Sơn  nhiều lần vi phạm chở quá khổ, quá tải

Ngoài ra, TTGT Bình Thuận còn phát hiện các tài xế của Công ty hải Sơn có tới 5 lần vận chuyển hàng quá tải bằng giấy phép lưu hành không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Thuận Huỳnh Ninh Thạch, cho biết toàn bộ các giấy phép này ban đầu mới nhìn không thể phân biệt được thật hay giả. “Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ đơn giản chúng tôi đã nhanh chóng phát hiện ra các giấy phép giả mà Công ty Hải Sơn sử dụng”, ông Thạch nói.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, vì sao liên tục phát hiện Công ty Hải Sơn vi phạm mà không xử lý ? Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận Nguyễn Quốc Nam, cho biết: Ngay sau khi phát hiện các giấy phép giả mà Công ty Hải Sơn sử dụng, Sở GTVT đã chỉ đạo Chánh Thanh tra điện thoại trực tiếp ra Sở GTVT các địa phương (Quảng Bình, Hải Phòng) và lãnh đạo Cục đường bộ IV để thông báo.
“Hiện nay Sở GTVT Bình Thuận đã chỉ đạo lực lượng TTGT tổng hợp các lần vi phạm và các lỗi vi phạm, trong đó có bao nhiêu lần sử dụng giấy phép lưu hành giả để gửi đến cơ quan công an tỉnh Quảng Bình, Hải Phòng để có cơ sở điều tra, xử lý hành vi giả mạo giấy tờ của cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Quốc Nam nói.
Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Thuận Huỳnh Ninh Thạch cho biết, hiện hồ sơ về Công ty Hải Sơn đang được TTGT Bình Thuận tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Sở. Khi có chỉ đạo, TTGT sẽ chuyển đến Hải Phòng Quảng Bình và Cục đường bộ IV để điều tra, xử lý theo quy định.
Đầu giờ chiều nay 25.7, trao đổi qua điện thoại với PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Nam khẳng định: “Phải thực hiện nghiêm chủ trương xử lý xe quá tải của ngành”.
Theo ông Phạm Văn Nam, không chỉ Công ty Hải Sơn, mà bất kỳ DN vận tải nào, trong hay ngoài tỉnh nếu vi phạm phải xử phạt theo hướng tăng nặng, nếu tái phạm. Riêng các DN vận tải ngoài tỉnh thì tùy trường hợp, mức độ vi phạm mà Sở GTVT sẽ có văn bản gửi đến tỉnh đó để cơ quan chức năng điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty Hải Sơn vi phạm nhiều lần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bình Thuận phối hợp với các tỉnh bị làm giả giấy phép, điều tra xử lý hành vi giả mạo giấy tờ theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.