Doanh nghiệp vận tải hành khách khánh kiệt

26/06/2021 17:01 GMT+7

Các đợt dịch liên tiếp đẩy nhiều doanh nghiệp vận tải khách vào cảnh khánh kiệt. Hỗ trợ như thế nào để doanh nghiệp cầm cự và cũng duy trì việc làm cho người lao động đang là câu hỏi bức thiết.

Ngấm đòn sau 3 đợt dịch trước đó, tới đợt dịch thứ 4, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, chủ hãng xe Sao Việt, cho hay xe càng chạy càng lỗ.
Chuyên tuyến Hà Nội - Lào Cai với lượng khách du lịch lên Sa Pa rất lớn, song từ đầu năm đến nay, Sao Việt chỉ duy trì 2 - 3 xe chạy hàng ngày, mỗi xe lác đác vài khách. Không đủ chi phí duy trì, nhà xe này từng tính tới chuyện bán xe trả nợ, song thời điểm này bán cũng không ai mua.
Trong khi đó, doanh nghiệp đã cạn quỹ dự phòng, nếu đến hạn không thanh toán được cho ngân hàng rất có thể phải gán nợ bằng xe. Khó khăn ở chỗ, doanh nghiệp không còn nguồn thu, nhưng vẫn phải duy trì một phần lương để giữ chân người lao động, bên cạnh một loạt chi phí khác phải gánh từ bến bãi, lãi vay ngân hàng, phí bảo trì…
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng ô tô thuộc nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo báo cáo từ các hiệp hội thành viên, đối với hoạt động vận chuyển hành khách, do phải thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp chống dịch, đặc biệt thực hiện quy định xe khách nếu được hoạt động thì số lượng hành khách được phép chở trên xe tối đa không quá 50% số ghế thiết kế; chi phí phát sinh do phải trang bị khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn toàn bộ xe...

50% xe khách nằm bãi

Thống kê cho hay, xe khách chở khách tuyến cố định chỉ đạt khoảng 30% so với trước dịch, số xe nằm chờ tai bãi không hoạt động là trên 50%. Xe taxi chỉ chạy khoảng 20 - 30%, số ki lô mét của xe hoạt động chỉ từ 100 - 150 km (so với trước dịch bình quân trên 300 km/ngày), số xe "đắp chiếu" 70 - 80%. Xe buýt sản lượng và doanh thu ước đạt 45 - 50% so với trước dịch.
Thê thảm hơn, xe du lịch đạt khoảng 10 - 15% so với trước dịch, hầu hết số xe phục vụ du lịch phải nằm chờ tại bãi không hoạt động do khách quốc tế không vào Việt Nam. Ở trong nước, người dân phải thực hiện giãn cách xã hội nên không có nhu cầu đi du lịch nội địa. Xe vận chuyển khách hợp đồng chỉ chạy 20 - 30%.
“Sản lượng, doanh thu trong vận tải hành khách trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 20 - 30% so với trước dịch. Dù có doanh thu thì vẫn lỗ rất nặng vì chi phí cho những xe hoạt động không giảm theo doanh thu mà còn tăng lên do giá nhiên liệu liên tục điều chỉnh tăng đồng thời tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh,” ông Quyền cho hay.
Khá hơn vận tải hành khách, vận tải hàng hóa sản lượng và doanh thu ước đạt 70 - 80% so với trước dịch tùy theo từng vùng miền. Vận tải hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới thời gian chờ đợi giao hàng kéo dài, chi phí phát sinh tăng cao do phải thuê lái xe dịch vụ để đưa xe sang Trung Quốc giao hàng.
Để “giải cứu” cho các doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn hiện nay.
Đặc biệt, lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, chính sách hỗ trợ cần cụ thể hoá với các ngành với mức độ khó khăn khác nhau, ngành nào khó khăn hơn thì mức hỗ trợ cao hơn để tránh hỗ trợ dàn trải, ví dụ ngành vận tải hàng hóa chịu tác động ít hơn vận tải hành khách. Đặc biệt, Chính phủ cần giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải về 0% trong năm 2021 và có gói vay ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ đơn vị vận tải.
Giảm 30% phí bảo trì đường bộ
Theo Thông tư 47 vừa được Bộ Tài chính ban hành, phí sử dụng đường bộ nằm trong 30 loại phí, lệ phí được giảm từ đầu tháng 7 đến hết năm nay để hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, Bộ sẽ giảm 30% phí đường bộ cho xe chở người, xe buýt kinh doanh vận tải so với mức quy định tại Thông tư 293 năm 2016. Phí đường bộ đối với xe tải, xe chuyên dùng, xe đầu kéo giảm 10%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.