Doanh nghiệp vận tải kêu khó tiếp cận chính sách hỗ trợ Covid-19

14/04/2022 17:45 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp cho biết dù có chính sách hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng việc tiếp cận trong thực tế rất khó khăn.

Sáng nay 14.4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

Theo ông Đỗ Xuân Hoa, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô, cho biết kết quả khảo sát 87 doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa và bến xe sau cho thấy, sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, vận tải bị đứt gãy, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, giảm tới 80%.

Vận tải khách sụt giảm nghiêm trong do ảnh hưởng của dịch Covid-19

ngọc thắng

Dù Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song ông Hoa cho biết hầu hết các doanh nghiệp vận tải chỉ tiếp cận được với chính sách giảm phí bảo trì đường bộ. Các chính sách hỗ trợ có tác động lớn đến doanh nghiệp như vốn, giảm thuế, phí, lãi vay ngân hàng vẫn chưa đến được với họ.

Nguyên nhân do các thủ tục để được nhận hỗ trợ phức tạp, mất nhiều thời gian nên doanh nghiệp khó tiếp cận. Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã giải thể, phá sản.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, thì cho rằng qua khảo sát cho thấy có đến khoảng 75% doanh nghiệp vận tải quy mô nhỏ lẻ, chỉ có một vài xe, thậm chí chủ xe kiêm luôn lái xe, làm ăn chụp giật. Doanh thu giảm khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động khi xảy ra dịch bệnh. Đáng chú ý, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp vận tải trong cả nước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Theo ông Phạm Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và chuyển giao công nghệ Sơn Phát, Covid-19 làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại.

Do không có công nghệ kết nối, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử, việc quản lý được vé là nguồn thu trọng tâm của doanh nghiệp. Tuy vậy, việc quản lý, tổ chức bán vé hiện nay vẫn thụ động, ngẫu nhiên, chủ yếu bằng công cụ giấy truyền thống như lệnh vận chuyển giấy, vé giấy, gây tốn kém về thời gian, chi phí, nhân lực, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phương thức này cũng là rào cản chuyến đổi sang vé điện tử.

Bên cạnh đó, thiếu tính đa dạng trong các kênh bán vé, dẫn đến khó tiếp cận được khách hàng. Việc chuyển đổi số sẽ khắc phục được các tồn tại hiện nay trong quản lý, điều hành vận tải.

“Nếu muốn tồn tại, doanh nghiệp vận tải phải trang bị cho mình nền tảng công nghệ để tham gia vào chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí quản trị, quản lý được doanh thu từ vé của hành khách”, ông Thiện nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.