Hôm qua (8.9), tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế, giao thông, đại diện các hiệp hội đã phân tích về tình trạng các doanh nghiệp chây ì giảm giá cước dù giá xăng dầu giảm liên tục.
|
Nhìn nhau, cùng không thay đổi là được lợi
|
Nhiều hãng taxi vẫn giữ nguyên giá cước đối với các dòng xe nhỏ như Getz, Giant i10, Kia Morning là 6.000 đồng với km đầu tiên, từ km thứ 2 đến km thứ 30 là 11.000 đồng/km, từ km thứ 31 trở đi 9.000 đồng/km.
Ông Hùng dẫn chứng cụ thể: cước taxi 5 chỗ tại TP.HCM, với mức giá 14.500 - 15.500 đồng/km, xăng cấu thành khoảng 3.625 - 5.425 đồng/km (25 - 35% giá cước vận tải); khi giá xăng giảm tới 16,3% (so với trước ngày 4.7.2015) mà giá cước chưa giảm đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã phải chịu thiệt hại khoảng 591 - 884 đồng/km.
Theo ông, đợt giảm giá xăng vừa qua, do taxi chậm giảm giá, người tiêu dùng đã phải chịu thiệt hại khoảng 591 - 884 đồng/km. “Với hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải, số tiền thiệt hại về phía người tiêu dùng và số tiền lợi nhuận về phía người kinh doanh không hề nhỏ. Phải chăng đây chính là nguyên nhân chính của câu chuyện trên”, ông Hùng nói.
Các hãng đều đưa ra những lý do khá cũ: việc cài lại đồng hồ phức tạp, tốn kém; bổ sung dịch vụ để bù vào; cần chờ đúng quy trình, thời gian để tính toán… “Cách giải thích đó thiếu sức thuyết phục. Tại sao khi giá cước tăng, việc cài lại đồng hồ lại kịp thời mà không ngại phức tạp, tốn kém?”, ông Hùng nêu câu hỏi. Theo ông Hùng, hiện các cơ quan quản lý đã vào cuộc khá quyết liệt nhưng liệu có sự thỏa thuận làm giá không? “Thời đại thông tin, chẳng cần ngồi bàn bạc với nhau, chỉ cần nhìn nhau, cùng không thay đổi giá là cùng được lợi”, ông Hùng nghi ngại.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký Hội Thẩm định giá, dù vừa qua, đã có vài hãng taxi giảm giá nhưng giá cước taxi VN hiện đang cao hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực. “So với giá cước tại Singapore, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, thì giá cước taxi tại Hà Nội (dao động từ 11.000 đồng đến 13.900 đồng/km) đang cao hơn từ 26,4% đến 60% và ở TP.HCM (từ 14.500 đến 15.500 đồng/km) đang cao hơn tới 66,7% đến 78,2%”, ông nói.
Hiến kế chống chây ì
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng giá cước vận tải đã được thực hiện theo cơ chế giá thị trường, cần để thị trường quyết định và để các DN cạnh tranh với nhau về giá. Tranh luận về điều này, ông Thỏa cho rằng đó là quan điểm đúng nhưng cũng không nên để DN “muốn làm gì cũng được”.
Để tình trạng giá xăng dầu giảm, DN vận tải chây ì không giảm giá cước không tiếp tục lặp lại, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, hiện đã có đầy đủ các căn cứ để nhà nước can thiệp nếu DN không tự giác điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh hiện nay, cần thẳng tay xử phạt các DN không thực hiện yêu cầu kê khai lại giá, buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá bất hợp lý. “Tuy nhiên, về dài hạn, nhà nước cần thúc đẩy cạnh tranh trong ngành về giá và chất lượng vận tải, thông qua cơ chế quản lý hợp lý, phát triển thị trường, khuyến khích các thành phần kinh tế và loại hình dịch vụ mới tham gia thị trường”, ông Thỏa nói.
Từ góc độ nhà quản lý, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, việc thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải bằng việc cho phép ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các hãng vận tải với khách hàng như các dịch vụ SmartTaxi, Smart-Charter-Car, GrabTaxi… sắp tới sẽ là giải pháp quan trọng để giảm giá thành vận tải, giảm chi phí tiếp cận khách hàng.
Bình luận (0)