DN Việt đang mong muốn có một “thứ sáu đen” để thực hiện siêu giảm giá thu hút khách hàng - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Ngày 5.12, Bộ Công thương và Hiệp hội Thương mại điện tử đã tổ chức một ngày mua sắm trực tuyến với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký bán hàng khuyến mãi hơn 3.200 mặt hàng. Các hệ thống siêu thị điện máy lớn cũng tung ra những chương trình khuyến mãi "khủng" trong thời gian này. Bắt đầu từ sáng 5.12, Nguyễn Kim tổ chức chương trình "Big Bang". Đến 4 giờ chiều cùng ngày, ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc marketing của Nguyễn Kim, thông báo lượng khách vào đặt mua hàng tăng gấp 4 lần và lượng đơn hàng tăng gấp 6 lần so với ngày thường. Còn bà Chu Phương Đoan, đại điện trang thương mại điện tử Zalora cho biết đến 2 giờ chiều ngày 5.12, lượng đơn đặt hàng đã phá vỡ kỷ lục ngày có nhiều đơn đặt hàng lớn nhất trong năm nay của Zalora.
Doanh nghiệp sẵn sàng tham gia
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều DN VN mong muốn có một ngày hội bán hàng kiểu “thứ sáu đen” (Black Friday - diễn ra vào thứ sáu cuối cùng của tháng 11 ở Mỹ). Dù mang tên “thứ sáu đen” nhưng nhiều DN lại xem đó là “ngày vàng” cho mua sắm, được tổ chức một cách quy mô, chuyên nghiệp và gây sốc thật sự chứ không phải kiểu khuyến mãi "bình bình" như lâu nay.
Bà Hà Thị Tuyết Diệu, đại diện Công ty cổ phần gỗ Đức Thành, nhận xét: “Bộ Công thương hay Sở Công thương TP.HCM nếu tổ chức chuyên nghiệp được một ngày bán hàng, có cam kết giảm giá cực sốc cho tất cả các mặt hàng, cả hàng có thương hiệu lẫn hàng không có thương hiệu, chắc chắn chúng tôi sẽ tham gia”.
Ông Lê Phạm Anh Thy cũng cho rằng, việc khuyến mãi lâu nay do DN tổ chức thường xuyên và tự vận hành theo từng chương trình riêng. “Nếu có một đơn vị đủ uy tín, tổ chức được “ngày vàng” mua sắm trên toàn quốc, chắc chắn chúng tôi sẽ tham gia”, ông Thy cho biết. Đại diện Công ty CP Thế Giới Di Động cũng cho rằng sẽ rất hay nếu các DN phân phối, nhà sản xuất lớn cùng nhau tham gia “ngày vàng” mua sắm của VN. “Nếu làm được điều đó, chúng ta không chỉ thành công trong việc kích cầu mà cho du khách biết đến ở VN cũng có một ngày mua sắm hấp dẫn như vậy”, đại diện Thế Giới Di Động nói.
Hiện có một chương trình tương tự kiểu "ngày vàng" mua sắm là “Tháng bán hàng khuyến mãi” được Sở Công thương TP.HCM tổ chức hằng năm. Tuy nhiên hiệu quả của chương trình khá hạn chế.
Phải cực sốc, khác biệt và gọn gàng
Nhận xét về cách làm hiện tại ở VN, chuyên gia tư vấn Robert Trần cho rằng các chương trình lễ hội, tháng bán hàng khuyến mãi của các tỉnh thành tổ chức hằng năm không có gì đặc sắc và thiếu tính mới, nếu không nói là lạc hậu, nên khó lôi kéo được người tiêu dùng hạng trung trở lên, mà đó mới là đối tượng dám tiêu và tiêu mạnh. “Hàng hóa bày bán trong các hội chợ của tháng bán hàng khuyến mãi thường nhếch nhác, không có thương hiệu rõ hoặc hàng nhái hàng giả quá nhiều. Tư duy khuyến mãi, kích cầu của chúng ta chỉ mới dừng lại phục vụ người nghèo, ít tiền chứ chưa nghĩ đến người có tiền, muốn mua đúng hàng thật, hàng có thương hiệu rõ ràng”, ông Robert Trần nói.
Bà Diệu cũng phản ánh: “Đã từ lâu chúng tôi không tham gia các hội chợ kiểu các cơ quan quản lý giao cho một công ty tổ chức hội chợ thiếu chuyên nghiệp tổ chức nữa. Bởi ở đó, hàng hóa bày bán vô cùng nhếch nhác, hàng giả thật lẫn lộn mà đến nay đa phần là hàng giả của Trung Quốc, gọi là khuyến mãi nhưng giá bán còn cao hơn ngoài chợ. Tham gia kiểu đó chỉ tổ mất uy tín của mình”.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Phương Đông, PGĐ Sở Công thương TP.HCM, cho rằng những kỳ hội chợ bán hàng khuyến mãi giảm giá đặc biệt vào các dịp lễ, tết cuối năm cũng có thể coi như ngày hội mua sắm. Tuy nhiên, ông Đông cũng thừa nhận là cách làm còn mang tính “phong trào” để tạo cơ hội cho người dân mua bán cuối năm, nên không có gì mang tính đột phá. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng nếu cứ giữ tư duy nhà nghèo để bán hàng cũng theo phong trào thì đến bao giờ chúng ta mới “ngóc đầu” lên được. “Hàng hóa DN tồn kho nhiều, việc tổ chức bán khuyến mãi là tốt. Nhưng để kích cầu, thượng vàng hạ cám đều phải “kích”, các nhà kinh doanh hàng hiệu cũng đồng hành để bán hàng mới có nguồn tài chính dồi dào hơn. Tôi ủng hộ có một “ngày vàng” phục vụ nhu cầu mua sắm của toàn dân”, ông Thành nói.
Tự phát nhưng rất xôm tụ Dù chưa có một “thứ sáu đen” trên cả nước nhưng vào ngày 28.11 vừa qua, nhiều trung tâm thương mại và cửa hàng thời trang ở TP.HCM cũng tổ chức một ngày mua sắm theo phong trào này khá bài bản và hiệu quả. Nhiều mặt hàng áo quần, giày dép tại trung tâm thương mại Vincom, Diamond, Saigon Paragon, Parkson và một số cửa hàng trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Lê Văn Sĩ... treo bảng “super sale” (siêu giảm giá) lên đến 70%. Nhiều sản phẩm thời trang có thương hiệu như Werehouse, Mango, Zara, Nine West, Aldo, Clarks, Charles & Keith, Nike, Adidas, Calvin Klein, DKNY, Micheal Kors... đều có doanh thu tăng mạnh vào ngày này. |
Nguyên Nga
>> Giảm giá mạnh, hàng hiệu vẫn ế trong ngày Black Friday
>> Giảm giá kiểu đối phó
>> Taxi Hà Nội đồng loạt giảm giá
>> Giảm giá giữ thị phần
>> Giảm giá thực phẩm tươi sống bình ổn thị trường
Bình luận (0)