Doanh nghiệp vượt 'bão' Covid - 19

03/07/2020 06:44 GMT+7

Quản trị minh bạch, làm ăn bài bản, nhanh nhạy ứng biến... nhiều doanh nghiệp không chỉ trụ vững trong "cơn bão" đại dịch Covid-19 , thậm chí còn hái trái ngọt khi mang về lợi nhuận, cổ tức “khủng” cho cổ đông.

Lợi nhuận đột biến trong đại dịch

2 quý đầu năm trong cơn bão đại dịch Covid-19 lịch sử đã khép lại. Trước khi có báo cáo kết quả kinh doanh, tất cả dự báo đều hết sức bi đát, doanh nghiệp (DN) sẽ thua lỗ nặng nề, thậm chí phá sản hàng loạt. Tâm điểm là vào quý 2/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản. VN cũng có khoảng thời gian thực hiện cách ly xã hội trong tháng 4 khiến nhiều hoạt động kinh doanh ngưng trệ.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 2,8%

Tại hội nghị kết nối hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 chiều 2.7 do UBND TP.HCM phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM tổ chức, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, cho biết tính đến hết tháng 6 tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng khoảng 2,8%, chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực TP.HCM tín dụng chỉ tăng trưởng 2,5% thấp hơn mức tăng trưởng toàn ngành, trong khi những năm trước, tín dụng khu vực này luôn tăng cao hơn toàn ngành.
Tại buổi kết nối, 12 ngân hàng cổ phần có trụ sở chính trên địa bàn cùng 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đã thực hiện hỗ trợ 17.215 khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân bị thiệt hại bởi Covid-19 với tổng số tiền 87.638 tỉ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời gian trả nợ là 14.632 tỉ đồng, miễn giảm lãi suất 11.386 tỉ đồng, cho vay mới lãi suất thấp là 61.620 tỉ đồng. Các ngân hàng thương mại tập trung hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tỷ trọng khoảng 72% tổng số tiền hỗ trợ. Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến ngày 29.6, các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc thực hiện Thông tư 01/2020 về giảm lãi suất, cơ cấu nợ doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đạt 384.610 tỉ đồng, cho 230.700 khách hàng. Cho vay lãi suất ưu đãi không quá 5%/năm đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực tính đến cuối tháng 5 đạt 175.792 tỉ đồng với 31.337 khách hàng vay, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 126.103 tỉ đồng.
T.Xuân
Song, liều thuốc thử cực mạnh Covid-19 lại cho thấy sức chống chịu dẻo dai của không ít DN, với kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng khả quan. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk (mã VNM), cho biết 6 tháng ước tính doanh thu tăng khoảng 7% (tương ứng 29.733 tỉ đồng), lợi nhuận trước thuế và sau thuế cùng tăng 3% so với cùng kỳ (tương ứng 7.098 tỉ đồng và 5.872 tỉ đồng). Tổng CTCP phân bón và hóa chất dầu khí (mã DPM) ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 4.040 tỉ đồng và 425 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng lần lượt 14% và 317% cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực xuất khẩu, Công ty dệt may, đầu tư, thương mại Thành Công (mã TCM) ước doanh thu quý 2 đạt 39,2 triệu USD (905 tỉ đồng), tăng 15,5%; lợi nhuận sau thuế khoảng 3 triệu USD (69,3 tỉ đồng), tăng 36% so với quý 2/2019.
Ấn tượng nhất trong số các DN tư nhân về kết quả kinh doanh là CTCP Tập đoàn Dabaco - “ông lớn” trong ngành chăn nuôi. Dabaco hưởng lợi lớn khi giá heo tăng phi mã, ước tính lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 397 tỉ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Dabaco thu lãi ròng 744 tỉ đồng, mức cao nhất trong lịch sử DN. So với cùng kỳ 2019, doanh thu của Dabaco tăng 94%, còn lợi nhuận gấp gần 50 lần. Giá cổ phiếu DBC lao như tên bắn từ 14.000 đồng lên 57.000 đồng/cổ phiếu (tăng hơn 300%).
Lĩnh vực công nghệ, CTCP Thế giới số (mã DGW) cũng thăng hoa rực rỡ. Giá cổ phiếu từ mức đáy khoảng 17.000 đồng vào ngày 30.3 tăng lên 43.600 đồng/cổ phiếu (hơn 156%). Nguyên nhân, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, DGW ước doanh thu đạt hơn 4.850 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 42% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 91 tỉ đồng, tăng trưởng 48% so với cùng kỳ. Tiếp đà tăng trưởng, mới đây, DGW đã công bố hợp tác chiến lược với Apple. Theo đó, công ty sẽ trở thành nhà phân phối sản phẩm của Apple tại VN bao gồm: iPhone, MacBook, iPad… và các phụ kiện khác.

“Vua thép” và “Bầu Đức” trở lại

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, không ít cổ đông hoang mang khi cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát liên tục lao dốc. Giá cổ phiếu của “ông vua” thép một thời từng đạt đỉnh gần 37.000 đồng/cổ phiếu rơi xuống quanh 15.000 đồng (giảm gần 150%) vào ngày cuối tháng 3.2020. Tuy nhiên, sau cú rơi chóng mặt này là một chuỗi những ngày tháng thăng hoa. HPG đã leo một mạch lên gần 29.000 đồng/cổ phiếu (tăng gần 100%). Đợt hồi phục mạnh mẽ này nhờ doanh thu, lợi nhuận của Hòa Phát đã tăng trưởng ấn tượng giữa "cơn bão" đại dịch Covid-19. Chủ tịch HPG Trần Đình Long tiết lộ, mức lợi nhuận sau thuế quý 2/2020 đạt 2.700 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận theo quý kỷ lục và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đạt hơn 5.000 tỉ đồng, tăng 30% và thực hiện 56% kế hoạch năm.
Có lợi thế từ “sóng” đầu tư công nhưng chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản giúp HPG đang dần chiếm lĩnh lại thị trường thép của VN. Bằng chứng là sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong quý 2/2020 ước đạt hơn 789.000 tấn (tăng 23% so với cùng kỳ). Nếu tính cả phôi thép tăng trưởng 91,3% so với cùng kỳ, hiện thị phần của HPG đã tăng mạnh lên 30,8% từ mức 22,5%.
“Một thập niên khốn khó của Hoàng Anh Gia Lai đã qua”, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức) trải lòng tại đại hội cổ đông khiến không ít nhà đầu tư gắn bó nhiều năm với HAG xúc động. 10 năm với bao thăng trầm, HAG từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu, giá chỉ còn 2.400 đồng/cổ phiếu, chưa mua được cốc trà đá. Tuy nhiên, kể từ phiên tạo đáy ngày 31.3, đến nay, HAG cũng đã tăng lên hơn 5.200 đồng/cổ phiếu (tăng hơn 116%).
Quan trọng hơn những con số, theo ông Đoàn Nguyên Đức, chiến lược chuyển hướng sang cây ăn trái đang cho quả ngọt. Công ty kiên trì tìm kiếm các thị trường tiêu thụ lớn cho cây chuối và hứa hẹn sẽ còn có nhiều loại cây ăn quả khác. Từ đó, tạo nền tảng để có được cơ hội bắt tay với đối tác xứng tầm là Thaco, giảm được nợ, tái cấu trúc DN theo hướng chặt chẽ, hợp lý hơn. Nhìn lại hành trình vất vả đã qua, ông Đức thừa nhận không thể nói sớm điều gì, nhưng trong Covid-19 công ty vẫn hoạt động vững vàng, không cắt giảm, không vì dịch bệnh mà dừng lại. DN vẫn quyết tâm phát triển, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn hệ thống 20.000 nhân viên, người lao động không bỏ vùng trồng trọt, không ai rời vị trí.
Tương lai của HAG nằm ở phía trước khi HĐQT đã thông qua kế hoạch doanh thu 5.082 tỉ đồng trong năm 2020, tăng 2,5 lần so với con số 2.075 tỉ của năm 2019. Nguồn thu chủ yếu đến từ mảng cây ăn trái dự kiến mang lại 4.672 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 92% trong cơ cấu doanh thu. Thị trường tiêu thụ chuối của DN lấy Trung Quốc làm nền tảng, đồng thời từng bước xâm nhập các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và châu Âu.
Trong bối cảnh ảm đạm chung của nền kinh tế, theo các chuyên gia, một số DN không tránh khỏi sự thua lỗ cả ngàn tỉ đồng ngay trong quý 2/2020. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn “vượt bão” thành công. Sự khác biệt nằm ở những doanh nhân dám nghĩ, dám làm; làm thật, ăn thật một cách bài bản. Bên cạnh đó, họ có tư duy nhanh nhạy và sẵn sàng chuyển hướng, đổi mới để nắm bắt cơ hội trong đại dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.