Doanh nghiệp xây dựng vươn mình lớn mạnh

04/10/2024 05:49 GMT+7

Từ vai nhà thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã vươn mình lớn mạnh, tự thiết kế và xây dựng được các dự án hạ tầng lớn với kỹ thuật khó từ cầu, hầm, cao tốc cho đến sân bay.

Từ nhà thầu phụ tiến đến làm chủ công nghệ

Chiều 3.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp (DN) xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Doanh nghiệp xây dựng vươn mình lớn mạnh- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc

ẢNH: TTXVN

Cùng nhau thúc đẩy các DN phát triển, trưởng thành hơn, tự tin hơn bước vào giai đoạn mới, thực hiện các công trình tầm cỡ, những công trình thế kỷ đánh dấu sự phát triển vươn mình của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Doanh nghiệp xây dựng vươn mình lớn mạnh- Ảnh 2.

Công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành đang được tích cực triển khai xây dựng

ẢNH: LÊ LÂM

Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết các nhà thầu, DN xây dựng, tư vấn, xây lắp đóng vai trò then chốt, quyết định trong sự thành công của nhiều dự án trọng điểm quốc gia.

Giai đoạn trước đây, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, khối lượng công việc do các DN xây dựng trong nước thực hiện không lớn; công tác thiết kế, thi công xây dựng các công trình có kỹ thuật cao như hầm, cầu dây văng chủ yếu do nhà thầu nước ngoài đảm nhận thực hiện, nhà thầu trong nước chủ yếu tham gia với vai trò thầu phụ.

Theo khảo sát của Bộ GTVT thời điểm cuối năm 2022, số lượng nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng công trình giao thông có giá trị hợp đồng từ 1.000 tỉ đồng trở lên không nhiều (khoảng 14 nhà thầu). Song những năm vừa qua, một số DN lớn đã tham gia xây dựng tại các dự án, công trình giao thông lớn (như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025...) đã tích lũy thêm năng lực, kinh nghiệm thực hiện các công trình, dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp.

Đội ngũ nhân sự đã được tăng cường, nâng cao kinh nghiệm quản lý, thi công xây dựng; nhiều máy móc, thiết bị đã được đầu tư, mua sắm. Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có khoảng 50 DN tham gia thi công, với giá trị đảm nhận của mỗi DN tại 1 gói thầu trung bình khoảng 500 tỉ đồng, trong đó giá trị nhà thầu đảm nhận lớn nhất tại 1 gói thầu khoảng 2.300 tỉ đồng.

Đến nay, theo Bộ GTVT, các nhà thầu trong nước dần lớn mạnh, đã cơ bản làm chủ công nghệ từ khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng hầu hết các công trình giao thông lớn, có tính chất, yêu cầu kỹ thuật phức tạp như công trình cầu dây văng, dây võng, cầu bê tông cốt thép nhịp đúc hẫng cân bằng, công trình hầm qua núi, vượt sông...

Nhiều DN đã đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị thi công hiện đại, đồng bộ để phục vụ xây dựng như các thiết bị khoan, đào hầm, thiết bị thi công cầu lớn... Những công trình chất lượng với kỹ thuật, mỹ thuật cao như tự thiết kế, thi công cầu Mỹ Thuận 2 nhịp dây văng dài 350 m, hầm Thần Vũ dài 1,1 km, hầm Núi Vung dài 2,2 km, các dự án có kỹ thuật phức tạp lần đầu áp dụng tại VN như hệ dàn thép khẩu độ lớn tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng chia sẻ một "con số rất thật" theo công bố của VCCI về 4 tiêu chí (doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn hóa) thì các nhà thầu lớn đều không nằm trong Top 100, chỉ duy nhất DN lọt vào do liên doanh nước ngoài. Các DN xây dựng trong lĩnh vực cơ bản như giao thông, xây dựng dù đóng góp rất lớn nhưng không phải lĩnh vực siêu lợi nhuận.

Để hình thành các DN lớn, DN dân tộc đủ lớn, tự lực, tự cường như chỉ đạo của Thủ tướng, theo ông Huy, cần các cơ chế đặc thù. Đơn cử với lĩnh vực đường sắt có quy định ràng buộc các lĩnh vực có thể tự sản xuất trong nước phải dùng DN trong nước với vai trò liên danh, không phải thầu phụ nữa. Bên cạnh đó, các địa phương cũng ảnh hưởng nhiều đến các nhà thầu như các đơn giá, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng…

Nhà thầu thường là "bên yếu thế"

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng, thời gian qua, theo phản ánh của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng (VACC) và một số nhà thầu, do pháp luật về hợp đồng xây dựng mới chỉ điều chỉnh các hợp đồng sử dụng vốn nhà nước, chưa có quy định cụ thể đối với các hợp đồng xây dựng tại các dự án sử dụng nguồn vốn không phải là nguồn vốn nhà nước, dẫn đến nhà thầu (thường là bên yếu thế) thiếu cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của họ.

Doanh nghiệp xây dựng vươn mình lớn mạnh- Ảnh 3.

Nhiều DN trong nước đã làm chủ công nghệ từ khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng hầu hết các công trình giao thông lớn

ẢNH: PHẠM ANH

Cạnh đó, một số quy định pháp luật còn khó áp dụng trên thực tiễn như: quy định về bất khả kháng, thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Mặt khác, dù pháp luật về hợp đồng không còn quy định giữ lại tiền để chờ quyết toán, nhưng trên thực tế nhiều hợp đồng các chủ đầu tư để "an toàn" cho mình vẫn đưa các điều kiện này vào hợp đồng, làm tăng chi phí tài chính của nhà thầu, giảm lượng tiền lưu thông.

Tại một số dự án ODA áp dụng các điều kiện hợp đồng mẫu theo quy định của nhà tài trợ có những khác biệt với các quy định của pháp luật VN như mô hình quản lý hợp đồng và xử lý tranh chấp; quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện…; nhưng khi biên soạn, đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng lại không được điều chỉnh cho phù hợp với quy định pháp luật. Điều này dẫn tới khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là việc xử lý các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, nảy sinh các tranh chấp hợp đồng, thậm chí có những tranh chấp có giá trị rất lớn.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, các nhà thầu phải đối mặt nhiều khó khăn như biến động về giá, thiếu hụt nguồn vật liệu, nhân lực chất lượng cao và công nhân lành nghề, khó khăn định mức đơn giá, giải phóng mặt bằng… Các DN xây dựng công trình giao thông chủ yếu tham gia các dự án đường bộ, các lĩnh vực như đường sắt, hàng không chưa nhiều.

Với định hướng triển khai dự án có quy mô gói thầu ngày càng lớn, số lượng nhà thầu đáp ứng không nhiều, do đó theo ông Huy, cần nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm để các DN có thể huy động thêm các nguồn lực xã hội hoặc liên kết với các DN nhỏ hơn. Về phía DN, lãnh đạo Bộ GTVT lưu ý cần chuẩn bị điều kiện, nguồn lực, nhân sự, thiết bị để tham gia thực hiện các dự án đường bộ, hàng không, đường sắt tốc độ cao tới đây.

Hoàn thành các dự án hạ tầng chiến lược

Lắng nghe ý kiến của đại diện các DN, hiệp hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cuộc làm việc cho thấy sự quan tâm của Chính phủ với các DN xây dựng; lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu với các khó khăn của DN. "Cùng nhau thúc đẩy các DN phát triển, trưởng thành hơn, tự tin hơn bước vào giai đoạn mới, thực hiện các công trình tầm cỡ, những công trình thế kỷ đánh dấu sự phát triển vươn mình của đất nước", Thủ tướng nêu.

Những kết quả đạt được trong triển khai các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia có sự tham gia, vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, DN, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Thủ tướng lấy ví dụ, dự án đường dây 500 kV mạch 3 liên quan tới hàng nghìn người dân, nhưng người dân tự nguyện nhường mặt bằng cho dự án, không phải cưỡng chế.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư và các chủ thể tham gia dự án đã quyết tâm cao, trách nhiệm, chủ động vào cuộc quyết liệt, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để vượt qua mọi thách thức; các DN, nhà thầu thi công triển khai với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", nhà thầu chính hợp tác, hỗ trợ các nhà thầu phụ, DN địa phương tham gia dự án. "Với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân và DN, chúng ta đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình trong triển khai các dự án hạ tầng chiến lược thời gian qua", Thủ tướng đánh giá.

Theo người đứng đầu Chính phủ, việc triển khai các dự án hạ tầng chiến lược đã và đang được làm tốt, sắp tới phải cùng nhau làm tốt hơn. Huy động nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực của nhà nước, người dân, DN. Các DN phát huy tinh thần tự lực, tự cường đi lên từ sức mạnh nội sinh, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và hợp tác với các đối tác nước ngoài…

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng làm tốt công tác quy hoạch; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức sao cho phù hợp, kịp thời, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân; chủ động hướng dẫn khi DN gặp khó khăn, vướng mắc. Bộ TN-MT tiếp tục cập nhật, lắng nghe, đi kiểm tra, giám sát, từ đó tiếp thu ý kiến của các DN để xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đất đai, vật liệu xây dựng, bảo vệ môi trường, nhất là các quy định về mỏ nguyên vật liệu và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng. Bộ Tài chính triển khai các chính sách liên quan thuế, phí, lệ phí, thực hiện chính sách tài khóa, công tác thanh toán, quyết toán được thuận lợi, nhanh chóng với DN…

Theo Bộ GTVT, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã hoàn thành đưa vào khai thác 858 km đường bộ cao tốc (gấp khoảng 5 lần giai đoạn trước đây), nâng tổng số ki lô mét đường bộ cao tốc đưa vào khai thác sử dụng lên 2.021 km. Bộ GTVT và các địa phương đang đầu tư xây dựng 40 dự án/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực trọng tâm là đường bộ, đường sắt và hàng không. Nổi bật là 1.700 km đường bộ cao tốc, gồm các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, các dự án cao tốc trục ngang như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường Vành đai 3 thủ đô Hà Nội, Vành đai 4 TP.HCM, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM…

Đặc biệt, Bộ GTVT dự kiến khởi công xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với chiều dài khoảng 1.541 km vào cuối năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 theo đúng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Nhà thầu kêu khó vì nhiều vướng mắc

Kiến nghị với Thủ tướng tại cuộc làm việc, đại diện gần 30 DN, nhà thầu tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các hiệp hội đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư, tổng thầu thi công 12/29 dự án trọng điểm, các dự án lớn tập đoàn này đầu tư, đặc biệt là dự án PPP đang gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chỉ áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu tăng, không có cơ chế chia sẻ doanh thu giảm; hay dự án Bắc Giang - Lạng Sơn quá trình khai thác lưu lượng thấp hơn so với dự báo và phải bỏ 1 trạm thu phí, miễn giảm giá vé dẫn đến doanh thu chỉ bằng 30% phương án tài chính…

Những bất cập này khiến nhà đầu tư gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Mặt khác, các dự án còn gặp khó do giải phóng mặt bằng chậm, xôi đỗ… Kiến nghị nâng phần vốn góp của nhà nước tại các dự án PPP, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cũng đề nghị rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số định mức về hầm như hầm đường bộ, đường sắt…

Đặc biệt, để các DN VN sớm tự chủ trong việc đầu tư, sản xuất, thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao như đường sắt, metro, giao thông thông minh, theo ông Hoàng, cần thêm các chính sách trợ lực từ phía nhà nước.

Với chủ trương đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến khởi công từ năm 2027, nhà thầu này kiến nghị có cơ chế tạo điều kiện cho các DN từng tham gia các gói thầu cao tốc Bắc - Nam có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm được tham gia các hợp phần dưới ray có tính chất tương tự công trình đường bộ như gầm cầu, đường, hầm. Với hợp phần như đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… thì có thể giao cho DN trong nước liên doanh với DN nước ngoài.

Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cũng cho rằng hệ thống định mức xây dựng hiện hành vẫn còn một số hạn chế, như thiếu định mức cho một số công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới, áp dụng phương pháp thi công mới; một số định mức vẫn còn bất cập, chưa phủ kín các loại công tác xây dựng, điều kiện áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc DN xây dựng Xuân Trường, nêu một số đề xuất liên quan sử dụng đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng, giúp thay thế vật liệu xây dựng đang khan hiếm hiện nay và giảm thiểu tác động môi trường. Đặc biệt, các DN gặp khó khăn khi ứng vốn để thực hiện một số hạng mục nhưng chậm được thanh toán…

Các hiệp hội, DN cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện thể chế về đầu tư, hợp đồng, đấu thầu; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt, có cơ chế chỉ định thầu đối với một số công trình, gói thầu đặc biệt; tăng hạn mức vay cho các DN xây dựng; tạo điều kiện để các DN trong nước liên kết với DN quốc tế để triển khai các dự án nhằm tranh thủ công nghệ, kinh nghiệm, nguồn lực, quản lý để DN trong nước không ngừng lớn mạnh…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.