Doanh nghiệp 'xin' thầy cô cho sinh viên điểm kém!

11/01/2019 12:03 GMT+7

Xin phép thầy cô cho sinh viên điểm kém thôi, đừng cho điểm cao dễ dàng để sinh viên tập trung vào việc học. Vì thực tế có những sinh viên bằng giỏi nhưng không trả lời được các câu hỏi đơn giản của nhà tuyển dụng…

Những kiến nghị này của nhà tuyển dụng được nêu ra tại buổi đối thoại “Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa đơn vị tuyển dụng - doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học” do Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tổ chức sáng nay 11.1.

Đào tạo nghiên cứu nhưng làm thương mại

Tại buổi đối thoại, tiến sĩ Nguyễn Trí Nhân, Trưởng khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết khảo sát được thực hiện vào tháng 11.2018, hơn 20% sinh viên sau khi tốt nghiệp tiếp tục học sau ĐH và hơn 50% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Như vậy có tới trên 70% sinh viên biết mình làm việc gì sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên theo ông Nhân, điều đáng lưu ý là có tới hơn 30% sinh viên làm công việc liên quan kinh doanh và marketing, tức số lượng sinh viên làm lĩnh vực thương mại ngày càng nhiều hơn so với làm nghiên cứu. Đây là điều mà trước đây nhiều năm khoa không hề nghĩ tới khi xây dựng chương trình đào tạo nhưng là xu hướng phù hợp với bối cảnh hiện tại khi mà nghiên cứu chưa phát triển nên sinh viên buộc phải chuyển sang làm hoạt động thương mại.

Trước các yêu cầu của doanh nghiệp, tiến sĩ Nhân cho rằng, trường này có nền tảng khoa học, đào tạo sinh viên có khả năng nghiên cứu và làm thí nghiệm tốt. Nhưng với sự thay đổi về xu hướng việc làm này, trường sẽ cố gắng tích hợp thêm các kỹ năng khác trong chương trình dào tạo. Tuy nhiên trường không thể nào dạy sinh viên kỹ năng đàm phán thương mại mà phải nhờ đến các nhà tuyển dụng.

"Bằng giỏi nhưng không trả lời được câu hỏi đơn giản"

Với góc độ nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Thanh Tâm, Công ty TNHH BCE Việt Nam, thẳng thắn nói: “Dù tuyển vị trí bán hàng nhưng chúng tôi cần người thực sự có chuyên môn sâu chứ không chỉ có khả năng bán hàng. Vì vậy chúng tôi yêu cầu nhiều hơn nữa về khả năng chuyên môn của người học. Bởi thực tế khi phỏng vấn sinh viên, tôi thường đưa ra những hỏi cơ bản về kỹ thuật sinh học nhưng các em không trả lời được. Đáng buồn hơn nữa, ngay cả khi tôi yêu cầu sinh viên ghi lại câu hỏi về nhà tìm hiểu rồi hẹn ngày tới trả lời các em vẫn tiếp tục không làm được”.

Cũng theo bà Tâm: “Đã vào học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên thì phải nghĩ mình là một người nghiên cứu, cần phải biết cách đọc tài liệu, có khả năng tự nghiên cứu, tính cách cẩn thận nhưng đa phần các bạn lại rất ẩu”, bà Tâm nói.

Lý giải hiện tượng trên, bà Tâm đặt vấn đề: “Một sinh viên bằng giỏi nhưng lại không trả lời được các câu đơn giản, vậy phải chăng các thầy cho điểm sinh viên quá dễ. Có thầy nói với tôi, cho điểm dễ để sinh viên được doanh nghiệp đánh giá tốt. Nhưng tôi nói với thầy rằng, điểm số không quan trọng, quan trọng nhất với người sử dụng lao động chính là năng lực thực sự”.

“Xin phép thầy cô cho các bạn điểm kém thôi, đừng cho điểm cao dễ dàng để các bạn tập trung vào việc học. Từ bậc phổ thông các em đã rất thụ động ngồi nghe, nếu bậc ĐH tiếp tục được thầy cô chiều và thương sinh viên bị điểm kém sẽ ảnh hưởng khi xin việc, thì sự thụ động càng thụ động hơn và lười đi”, bà Tâm nhấn mạnh.

Ông Mai Công Minh Tâm, Bệnh viện Mỹ Đức, thì ý kiến: “Giỏi về chuyên môn nhưng thái độ không tốt thì không thể giao một việc nghiêm túc được. Vì vậy đề nghị trường cần tăng cường hơn trong đào tạo thái độ cho người học hơn nữa”.

Ông Ngô Xuân Quảng, Viện Sinh học Nhiệt đới cũng nói: “Tôi thấy sinh viên còn rất nhiều điểm yếu, kể cả kiến thức cơ bản. Chúng ta có số liệu nhưng không biết cách khai thác số liệu, kể cả nghiên cứu sinh. Chính vì không biết khai thác nên không biết mình đang đi đâu làm gì”.

Cần định hướng nghề nghiệp sớm

Ông Phạm Đăng Khoa, Công ty TNHH thiết bị và đầu tư y tế Phương Nam, phân tích: “Những hiện tượng trên có lỗi từ hệ thống giáo dục, từ sự ảo tưởng của sinh viên. Thực tế khi ở trường học, sinh viên đạt loại giỏi và trong suy nghĩ của họ mình giỏi thật. Nhưng với doanh nghiệp, thang điểm còn nhiều thứ khác”.

Tuy nhiên, ông Khoa có nhìn nhận khác khi cho rằng, chúng ta không thể kỳ vọng nhà trường phải đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ năng để sinh viên ra trường làm được việc ngay. “Thường tôi thấy sinh viên ra trường cần có 6 tháng làm quen và chậm thì một năm. Để giảm bớt khoảng thời gian đào tạo lại cho doanh nghiệp, nên chăng ở năm thứ 2 thì có thể cho sinh viên về với thực tế doanh nghiệp theo định hướng nghề nghiệp sinh viên lựa chọn sẽ đi theo”, ông Khoa đề xuất.

Ông Tăng Phương Giản, Tổ chức IUCN, nói: “Chúng tôi thường chỉ tuyển người có kinh nghiệm, nên sinh viên chưa có kinh nghiệm sẽ bị loại ngay từ vòng ngoài. Tôi nghĩ nên định hướng cho sinh viên ngay từ sớm, từ định hướng đó, cho sinh viên tham gia vào quá trình cọ xát để có kinh nghiệm. Kinh nghiệm ở đây không nhất thiết là quá trình làm việc mà có thể tham gia nghiên cứu, thực tập tại doanh nghiệp…”.

Trong khi đó, ông Ngô Xuân Quảng lại cho rằng xã hội phân hoá cơ cấu nghề nghiệp khác nhau, không phải trở thành đốc hay trưởng phòng mới là thành đạt. Do vậy, trường tạo cho sinh viên cảm xúc, sự đam mê để theo đuổi và dấn thân vào đời mới quan trọng.

Với nhà trường, ông Quảng cho rằng: “Định hướng của trường là đào tạo cơ bản, điều này rất đáng quý nên trường đừng nóng vội đi tìm hướng đào tạo ứng dụng mà hãy yên tâm tập trung vào hướng nghiên cứu cơ bản. Kiến thức cơ bản là mấu chốt, khi giỏi kiến thức cơ bản thì sẵn sàng vào được tất cả các ngành nghề, đừng để sinh viên xa rời mục tiêu chính này”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Trí Nhân cho biết khoa luôn hướng trọng tâm vào kiến thức cơ bản nhưng cái khó là sinh viên không có nhiệt huyết để học khối kiến thức này. Để nhận ra được, doanh nghiệp nói sinh viên sẽ tin hơn thầy cô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.