Doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó chiến tranh thương mại

08/02/2025 05:47 GMT+7

Dù VN không nằm trong nhóm đối tượng áp thuế mới của Mỹ nhưng về lâu dài, theo các doanh nghiệp và chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của VN sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng khi giá hàng hóa tăng khiến người Mỹ giảm nhu cầu mua sắm.

Doanh nghiệp đã có kế hoạch ứng phó

Phải phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ khí thế để tiếp tục phát triển. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới có thể làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu. Trao đổi với Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong các ngành hàng chủ lực cho biết đã có tâm thế chuẩn bị đáng kể.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, cho biết ngành dệt may xuất khẩu đã có dự báo và chuẩn bị rất sớm, từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng cử, thậm chí ngay khi ông đưa ra một số tuyên bố chính sách trong quá trình tranh cử. "Chúng tôi đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, nếu chính sách về thuế quan của Tổng thống Trump "đánh mạnh" vào Mexico, Canada, chắc chắn hàng xuất của VN đi Mỹ sẽ bị ảnh hưởng giảm, phải đa dạng hóa thị trường. Phương án 2 là tăng giá và thuyết phục khách hàng chia sẻ để bù đắp chi phí mua nguyên vật liệu từ các thị trường mới có giá cũng như chi phí logistics cao hơn. Mức tăng không đáng kể, nhưng bắt buộc phải tăng", ông Việt nói.

Nhiều DN ngành dệt may cho biết đến nay đơn hàng sản xuất, đặc biệt đơn hàng xuất đi Mỹ, có nơi đã nhận đến tháng 6 năm nay. Ông Phạm Văn Việt cũng bày tỏ sự lạc quan khi thông tin thêm năm nay, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng 13% về đơn hàng xuất khẩu, nhưng riêng Việt Thắng Jean đặt kế hoạch tăng trưởng đến 16%. "Việc Mỹ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể tác động tới chuỗi cung ứng dệt may ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong đó, tích cực là hàng Trung Quốc sẽ giảm cạnh tranh ở thị trường Mỹ và rõ ràng đây là cơ hội cho hàng dệt may VN. Tuy vậy, các nhà sản xuất tại VN đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, có thể bị ảnh hưởng vì vấn đề truy xuất nguồn gốc. Phương án 2 chúng tôi đặt ra là tăng giá bán cũng xuất phát từ nguy cơ này", Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean nói thêm.

Nhìn một cách tổng thể, ông Việt tỏ ra khá lạc quan: Thị trường Mỹ đến nay chưa bị ảnh hưởng, thị trường châu Âu hơi "xám" do người châu Âu giảm mua. Đổi lại, 2 thị trường lớn tại châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn duy trì phong độ tốt. "Thế nên, cộng thêm các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi… tôi kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng đặt ra có thể đạt được", ông nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó chiến tranh thương mại- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng dệt may cho biết đã linh động tìm được thị trường mới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lớn

ẢNH: NG.NGA

Cũng về vấn đề ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu với các chính sách "rắn" từ thị trường Mỹ, nhiều DN xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ, nội thất cho rằng sản xuất xuất khẩu sử dụng ván ép, nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc có thể đối diện bị áp thuế nhập khẩu nguyên liệu, đẩy giá thành sản xuất tăng, khó cạnh tranh hơn. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), đánh giá diễn biến trên thị trường khó lường, nhất là các chính sách mới từ Mỹ trong giai đoạn tới. Mức thuế với sản phẩm đồ gỗ của VN sang Mỹ hiện tại là 0%, trong khi Trung Quốc là 25%. Lợi thế của VN cũng chính là mối lo trong bối cảnh thị trường lớn bên cạnh đang bị áp thuế cao. Nếu áp thuế nhập khẩu nguyên liệu tăng đối với hàng hóa từ VN, các DN sản xuất xuất khẩu gỗ của VN, vốn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, và đó là điều đáng lo nhất.

"Không còn lựa chọn nào khác, DN sản xuất xuất khẩu trong ngành gỗ, ngành dệt may, da giày… phải có chiến lược mua nguyên liệu, cụ thể là ván ép, vải vóc từ các nước khác trong khu vực châu Á, ngoài Trung Quốc nhằm đề phòng bị vạ lây", ông Phương nói thẳng và thông tin thêm một số DN cho biết đã chuyển hướng mua nguyên phụ liệu từ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…

Cần vừa bán vừa tăng hợp tác đầu tư

Theo ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch HAWA, điều đáng lo nhất với ngành gỗ là nguy cơ mượn xuất xứ VN để xuất hàng hóa qua Mỹ. Điều này từng được cảnh báo từ lâu nên các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiểm soát, ngăn chặn từ đầu các dự án được lập ra để thực hiện các công đoạn cuối trong chuỗi sản xuất, mượn xuất xứ VN để xuất hàng qua Mỹ cũng như các nước khác. Cần chế tài nặng đối với hành vi đội lốt xuất xứ bởi đó không chỉ là uy tín của một ngành mà là sinh mệnh của từng DN Việt, cần được bảo vệ tối đa.

Trong chỉ đạo nói trên, Thủ tướng Chính phủ cũng gợi ý một số giải pháp như tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là những thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ… Xác định thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn, trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay chính sách thuế quan của Mỹ từ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Donald Trump chưa ảnh hưởng nhiều đến hàng hóa xuất khẩu của VN. Tuy vậy, năm 2025, dưới thời kỳ Trump 2.0, Bộ Công thương vạch ra 2 kịch bản là nếu Mỹ duy trì chính sách thuế nhập khẩu hiện hành, VN hoàn toàn có thể đón nhận thêm dòng đầu tư mới để gia tăng xuất khẩu trong xu hướng chuyển dịch cơ cấu. Phương án 2, khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, hàng hóa từ VN sẽ ít nhiều bị sức ép, trong trường hợp này, Bộ Công thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ DN sản xuất, xuất khẩu trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh có cái nhìn tích cực hơn khi nói việc Mỹ đánh thuế vào một số đối tác lớn như Trung Quốc sẽ gián tiếp giúp hàng VN được lợi. Bởi nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ của VN tương đồng với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, nay hàng hóa của Trung Quốc bị đánh thuế cao thì hàng VN sẽ có cơ hội tốt hơn khi xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, Mexico chủ yếu xuất khẩu hàng nông sản sang Mỹ, nên nếu nước này bị đánh thuế, nông sản Việt sẽ hưởng lợi.

Tuy vậy, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý về nguy cơ hàng Việt bị áp thuế nếu thâm hụt thương mại giữa 2 nước quá lớn. Theo ông, điều Tổng thống Trump đặc biệt quan tâm là đặt lợi ích của người dân Mỹ trên hết. "Hiện Trung Quốc bị áp thuế thêm 10%, Mexico và Canada đang bị "treo" mức thuế hàng nhập khẩu. VN nằm trong nhóm các quốc gia có độ thâm hụt thương mại với Mỹ khá lớn nên cũng có nguy cơ. Nếu bị đánh thuế, hàng Việt khó cạnh tranh với hàng dệt may từ Bangladesh hay Ấn Độ. Vì vậy, giải pháp mềm mại nhất là nên vừa bán hàng vừa hợp tác đầu tư, tăng mua một số mặt hàng máy móc, công nghệ… mà VN cần nhập khẩu. VN đang thực hiện hiệu quả chính sách điều hành tỷ giá hối đoái theo hướng giữ ổn định đồng tiền Việt với USD. Việc giữ ổn định tỷ giá sẽ giúp các nhà đầu tư thấy an toàn, ổn định, tích cực đầu tư hơn. Đặc biệt, giúp DN trong nước có cơ hội tiếp cận dây chuyền sản xuất, máy móc, công nghệ hiện đại từ Mỹ sẽ tốt hơn", ông Thịnh đề xuất.

Theo 3 kịch bản của Công ty chứng khoán VnDirect đưa ra, xuất khẩu của VN trong năm 2025 vẫn tăng được khoảng 8% khi Mỹ tăng 60% thuế đối với hàng Trung Quốc và thuế phổ quát 10 - 20%. Tăng trưởng có thể cao hơn mức này nếu chỉ áp thuế 60% hàng Trung Quốc. Ngược lại sẽ thấp hơn 8% khi có thêm điều kiện thuế phổ quát và hàng VN bị áp thêm thuế riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.