Ngày 4.10, Sở Y tế TP.HCM phối hợp Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp lĩnh vực y tế và chính quyền thành phố.
Doanh nghiệp bối rối trong việc đầu tư về y tế
Tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau dịch Covid-19, do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, khó khăn về tài chính.
Đồng thời, vừa qua, nhiều luật được ban hành mới như luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh, luật Đấu thầu và các nghị định, thông tư hướng dẫn… Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bối rối trong việc đầu tư hoạt động ngành y tế.
Vì vậy ngành y tế muốn nghe những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ nếu trong thẩm quyền, hoặc kiến nghị các cấp trên nếu vượt quá thẩm quyền.
Tại phần thảo luận, các doanh nghiệp đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến đấu thầu thuốc, giá thuốc, mua sắm thiết bị, đăng ký hành nghề và hoạt động khám chữa bệnh.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cho biết, Hiệp hội rất ủng hộ việc hậu kiểm tạo một môi trường minh bạch, tránh việc doanh nghiệp làm sai lách luật...
Ví dụ như có công văn từ một cục cho rằng các sản phẩm ethanol (cồn y tế) sử dụng trong sát thương không phải là trang thiết bị y tế và phải thu hồi. Doanh nghiệp cảm thấy oan là vì sản phẩm ethanol của doanh nghiệp là sử dụng trong máy xét nghiệm.
Hoặc các sản phẩm bôi gel, cơ chế của nó là tạo ẩm theo vật lý chủ yếu chứ không phải hóa học. Phải căn cứ vào hướng dẫn sử dụng hoặc cơ chế hoạt động chứ không phải theo căn cứ quy định dược đề ra.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu đề xuất việc tiến hành hậu kiểm, nếu Sở Y tế TP.HCM phát hiện nghi ngờ cũng mong có thể trao đổi đại diện công ty để họ có cơ hội giải trình, chia sẻ góc nhìn trong trường hợp có bất đồng giữa sở và doanh nghiệp. Cho phép trao đổi thêm với Bộ Y tế để có hướng dẫn chỉ đạo thêm.
Về vấn đề này, đại diện Sở Y tế cho hay, tại TP.HCM trước khi ra quyết định công bố thu hồi mỹ phẩm, hay thiết bị nào thì đều mời doanh nghiệp lên trao đổi để cho doanh nghiệp có cơ hội giải trình và biết được lý do bị thu hồi. Nếu thấy oan thì tiếp tục giải trình.
Bắt giá chênh lệch chỉ 5%
Công ty cổ phần dược phẩm OPC phản ánh, hiện đấu thầu thuốc đang cạnh tranh khốc liệt. Tùy độ lớn của gói thầu, tùy địa điểm xa gần mà có giá chênh lệch.
Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm xã hội đang bắt giá chênh lệch trên toàn quốc là 5% thì khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh giá. Vì có năm áp dụng 10%, có năm áp dụng 5%.
Trong khi nguyên liệu đầu vào thì tăng giá, xăng dầu tăng giá, ràng thêm quy định này thì khó điều chỉnh giá thuốc.
Sở Y tế TP.HCM trả lời rằng, việc chênh lệch giá thuốc 5% giữa các cơ sở y tế trên toàn quốc, thì đây chỉ là khuyến cáo của bảo hiểm xã hội để cơ sở khám chữa bệnh rà soát lại giá đấu thầu và có hình thức quản lý giá thuốc cho phù hợp, chứ bảo hiểm chưa thực hiện việc xuất toán.
“Tuy nhiên, đối với việc giá chênh lệch thì nhiều lần chúng tôi đã có trao đổi với cơ quan bảo hiểm vì liên quan đến giá nguyên liệu và nhiều chi phí khác trong hoạt động đấu thầu. Cho nên việc yêu cầu giá chênh lệch 5% là không phù hợp trong một số trường hợp", đại diện Phòng Quản lý dịch vụ y tế, Sở Y tế nói.
Bình luận (0)