Doanh nhân Lê Phước Vũ: 'Cơ quan nhà nước phải có tinh thần doanh nhân như doanh nghiệp'

13/10/2015 08:14 GMT+7

(TNO) Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Lê Phước Vũ cho hay khi nền kinh tế VN hội nhập sâu rộng với thế giới, giới doanh nhân đòi hỏi cơ quan quản lý phải đồng hành với doanh nghiệp, phải có tinh thần doanh nhân giống như doanh nghiệp.

(TNO) Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Lê Phước Vũ cho hay khi nền kinh tế VN hội nhập sâu rộng với thế giới, giới doanh nhân đòi hỏi cơ quan quản lý phải đồng hành với doanh nghiệp, phải có tinh thần doanh nhân giống như doanh nghiệp.

Ông Lê Phước Vũ - Ảnh: Đình QuânÔng Lê Phước Vũ - Ảnh: Đình Quân

* Gần ngày Doanh nhân Việt Nam, Việt Nam và 11 nước đã đạt được thỏa thuận đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cảm giác của ông buồn hay vui khi nhận được thông tin này?

- Tôi nghĩ kinh doanh giống như một cuộc đấu. Mà đã là đấu sĩ thì phải chiến đấu thôi. Vào sân chơi toàn cầu cần có những luật lệ của nó. Như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có những luật lệ mà mình phải tuân thủ. Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có những nghĩa vụ và quyền lợi mà mình được hưởng. Và TPP cũng vậy, có cả cái lợi và thách thức. Bản thân các hiệp định, thỏa thuận này là cuộc đấu trí của các chính phủ và doanh nghiệp.

Vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen đang phải đối diện với các vụ chống bán phá giá tại nhiều nước trên thế giới. Ông có thể nói rõ về những khó khăn mà công ty ông đang phải đối mặt?

- Ở Úc, chúng tôi đã thành công khi chứng minh được không chống bán phá giá. Ở Indonesia, doanh nghiệp thép nước này đang lên kế hoạch phòng vệ thương mại. Malaysia và Thái Lan đang khởi kiện chống bán phá giá. Như vậy là 4 thị trường.

Bản thân các doanh nghiệp khi bị thất thế, không cạnh tranh được trên thị trường thì họ sẽ nghĩ đến các biện pháp phi thị trường. Đó là họ kêu gọi chính phủ bảo hộ cho họ và đây là một cuộc chơi mà mình phải chấp nhận. Bản thân mình cũng như thế thôi. Cho nên muốn cạnh tranh tốt, doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ và cạnh tranh thành công trên thị trường trong nước và thế giới. Tiếp nữa, khi đối mặt với các vụ chống bán phá giá và phòng vệ thương mại… thì mình phải chấp nhận luật chơi.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2015 - Ảnh: Đình Quân

Với TPP, bản thân ông có thấy tự tin khi Việt Nam gia nhập hiệp định này hay không?

- Tôi nghĩ gia nhập TPP sẽ có lợi nên rất tự tin. Trước mắt chúng tôi có thị trường nội địa. Lợi thế cạnh tranh ở thị trường nội địa sẽ tạo ra lợi thế xuất khẩu.

Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho TPP nên khó hưởng lợi từ việc gia nhập hiệp định này. Tập đoàn Hoa Sen có sự chuẩn bị như thế nào trước TPP?

- Tôi nghĩ TPP cực tốt cho Việt Nam và mong muốn nó sớm thông qua. Không phải riêng Hoa Sen mà đại đa số doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lợi từ TPP.

Nhưng doanh nghiệp hưởng lợi phải có sự chuẩn bị tốt chứ TPP không phải là cây đũa thần?

- Tất nhiên thị trường mở rộng hơn nhưng thành phần tham gia thị trường cũng sẽ lớn hơn. TPP có thuế suất bằng 0% thì thị trường nội địa là của 12 nước chứ đâu riêng mình Việt Nam. Nếu doanh nghiệp không tự tạo cho mình một lợi thế cạnh tranh thì việc vô TPP sẽ càng khó khăn hơn. Còn nếu anh nào tạo ra lợi thế sẽ có cơ hội tốt hơn.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông mong muốn sự hỗ trợ, đồng hành gì từ phía cơ quan nhà nước để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh và hội nhập sâu với kinh tế thế giới?

- Nếu TPP được thông qua và đi vào hiện thực thì kinh tế Việt Nam thực sự hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Chưa bao giờ vai trò của nhà nước, hiệp hội ngành nghề, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực sự cần thiết và cần có sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp như bây giờ. Bởi vì những cơ quan nhà nước như tham tán chính là cơ quan marketing cho doanh nghiệp, đại sứ quán chính là cơ quan bảo vệ doanh nghiệp ở nước ngoài. Càng hội nhập càng sâu thì vai trò của nhà nước càng quan trọng, đặc biệt là hiệp hội ngành nghề. Chúng tôi cần cơ quan quản lý cũng phải có tư duy như doanh nghiệp và phải có tinh thần doanh nhân giống như doanh nghiệp. Tất cả vì lợi ích chung của quốc gia và đất nước.

* Xin cảm ơn!


Sớm bỏ quy định chồng chéo gây khó doanh nghiệp

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết TPP sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm hầu như không được lợi bởi TPP do hiện nay xuất khẩu tôm vào Mỹ, Nhật và một số nước đều có thuế suất 0%.

“Giờ chủ yếu làm sao để môi trường kinh doanh minh bạch, chính phủ  đổi mới để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, giảm thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp ổn định kinh doanh, sản xuất giảm bớt chi phí. Đó mới là điều doanh nghiệp mong muốn”, ông Quang nói.

Sự chuẩn bị của doanh nghiệp, theo ông Quang là phải xây dựng thương hiệu để tăng giá trị cạnh tranh, sử dụng bản quyền thương hiệu để tránh bị kiện tụng và thực hiện tốt luật Lao động.

Tuy nhiên theo người đứng đầu doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu lớn nhất Việt Nam luật pháp trong nước với nhiều nghị định, thông tư, pháp lệnh chồng chéo đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thậm chí có những quy định đưa ra đánh đố và doanh nghiệp không tài nào thực hiện được.

Đơn cử nhất là chính sách an sinh, vừa rồi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có thông tư quy định tiền lương phải trả trong tháng, không được kéo dài cho tháng sau. Theo ông Quang, quy định này khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được. Lý do khi chưa hết tháng doanh nghiệp chưa chấm hết công thì làm sao trả lương được.

Hay như quy định đối với ngành sản xuất độc hại (trong đó có thủy sản - PV), mỗi tháng doanh nghiệp phải bồi dưỡng bằng hiện vật là một hộp sữa và một ký đường. Theo ông Quang, quy định này quá lạc hậu bởi giờ công nhân không lấy đường, sữa mà quy ra tiền thì tổ chức nước ngoài vào đánh giá lại coi không hợp lệ.

“Khi mua hàng, nước ngoài đều thuê các tổ chức độc lập vào kiểm tra, đánh giá để xem doanh nghiệp làm tốt vấn đề an sinh xã hội hay chưa. Các tổ chức này thường lấy luật Việt Nam để đánh giá, soi chiếu mà luật trong nước quá lạc lậu nên vì một vài lý do như trên mà doanh nghiệp bị đánh rớt, không được xuất sang thị trường đó nữa”, ông Quang nói.

Ông Quang bức xúc: “Nhiều bộ ngành có khi hứng lên đẻ ra thông tư mà không cần biết quy định đó khi đưa ra thực tế có phù hợp hay không. Chính phủ và các bộ ngành cần kiểm tra, sửa đổi luật lệ cho phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.