Doanh nhân Lê Thị Giàu nói gì vụ kiện bà Nguyễn Phương Hằng đòi bồi thường 1.000 tỉ đồng?

03/06/2021 12:18 GMT+7

Vụ doanh nhân Lê Thị Giàu kiện bà Nguyễn Phương Hằng đòi bồi thường 1.000 tỉ đồng đang gây ra nhiều tranh luận. Người trong cuộc nói gì?

TAND Q.1 (TP.HCM) vừa thụ lý vụ án dân sự “tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Giàu (62 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Bình Tây) và bị đơn là bà Nguyễn Phương Hằng (50 tuổi, Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam, vợ đại gia Dũng “lò vôi”).
Theo đó, bà Lê Thị Giàu khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần, với số tiền 1.000 tỉ đồng; buộc bà Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm nguyên đơn và thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp của nguyên đơn; buộc bà Nguyễn Phương Hằng công khai xin lỗi và cải chính thông tin trên mạng YouTube.

Doanh nhân Lê Thị Giàu kiện đòi bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường 1.000 tỉ đồng

Ảnh: CTV

Để rộng đường dư luận, sau khi có thông tin này, PV Báo Thanh Niên đã tìm hiểu thêm thông tin xung quanh vụ việc đang được chú ý này.
Theo đó,bà Lê Thị Giàu trình bày, năm 2017 bà quen biết với bà Nguyễn Phương Hằng khi đến viếng Phước Sơn thiền viện (tại H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Sau đó, cả hai không có quan hệ làm ăn; không phải bạn bè. Gần đây, bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên nhắn tin cho bà với lời lẽ xúc phạm, mang tính đe dọa. Bà Giàu nhiều lần nhắc nhở và đề nghị bà Hằng dừng ngay những hành động này lại nhưng bà Hằng cố tình không nghe nên bà Giàu đã lập vi bằng các tin nhắn này.
Cũng theo bà Lê Thị Giàu, ngày 14.5, trong buổi livestream, bà Nguyễn Phương Hằng trực tiếp nói chuyện với chủ đề: “Bà Nguyễn Phương Hằng công bố động trời về Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh (chùa Phước Sơn) khiến người nghe bất ngờ”.

Buổi livestream của nữ doanh nhân Phương Hằng lập kỷ lục chưa từng có

Theo bà Giàu, buổi livestream đó, bà Nguyễn Phương Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín của bà khi bịa đặt, vu khống bà những chi tiết, như: "ép bức sư Bửu Chánh - trụ trì chùa Phước Sơn trả lại tiền và xe cho bà Hằng"; "thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý"; "bà Giàu là doanh nhân siêu lừa đảo, hung dữ; “mua tượng phật và hoa không trả tiền"; “bà Giàu giật tiền của nhiều người 5 - 10 năm không trả…
“Đặc biệt, điều tôi quan tâm là bà Nguyễn Phương Hằng xúc phạm uy tín thương hiệu Mì lá bồ đề, Dầu nhị thiên đường, “là thương hiệu đểu, chứng nhận giả”. Các nhãn hiệu này do tôi làm chủ đang hoạt động, sản xuất bình thường”, bà Giàu nói.
Về lý do khởi kiện đòi bồi thường 1.000 tỉ đồng, bà Giàu nói: “Giá trị một con người và thương hiệu sản phẩm do con người tạo ra không thể tính bằng tiền. Và càng không thể bị tổn hại bởi một con người làm mưa làm gió, thích nói gì thì nói trên mạng xã hội trong thời gian vừa qua. Không ai dám kiện thì tôi phải kiện để bảo vệ chính mình”.

Có cơ sơ kiện đòi bồi thường 1.000 tỉ đồng không?

Với nội dung khởi kiện của nguyên đơn là bà Lê Thị Giàu, đòi bà Hằng bồi thường vật chất và tổn thất tinh thần 1.000 tỉ đồng cũng thu hút nhiều sự chú ý.  
Luật sư (LS) Kiều Anh Vũ (Đoàn LS TP.HCM) cho biết về quyền khởi kiện, nếu bà Giàu cho rằng bà Hằng có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì bà Giàu có quyền khởi kiện. Quyền khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Việc khởi kiện là một hành động pháp lý phù hợp để cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật, tránh những cuộc khẩu chiến trên mạng không cần thiết. “Tuy vậy, cần phải nói ngay rằng, quyền khởi kiện, yêu cầu khởi kiện và yêu cầu khởi kiện có được chấp nhận hay không là các vấn đề khác nhau. Tòa án thụ lý vụ kiện không có nghĩa là sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà còn phụ thuộc nhiều vào quy định của pháp luật, chứng cứ…”, LS Kiều Anh Vũ phân tích.

Các chứng cứ được bà Lê Thị Giàu lập vi bằng

Ảnh: CTV

Về yêu cầu đồi bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần 1.000 tỉ đồng, theo LS Kiều Anh Vũ, để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải có thiệt hại và phải chứng minh được thiệt hại.
“Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, người bị thiệt hại còn có thể được bù đắp tổn thất về tinh thần mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, tương đương 14,9 triệu đồng theo mức lương cơ sở hiện nay”, LS Vũ nêu.
Cùng ngày 2.6, PV Thanh Niên đã liên hệ với bà Nguyễn Phương Hằng nhưng điện thoại không liên lạc được. Trao đổi với ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng) ông Dũng cho biết hiện nay ông đang tập trung vào hoàn thiện nhà máy sản xuất găng tay y tế nên không nắm được những gì thông tin báo chí nêu. Liên quan đến vụ kiện bà Nguyễn Phương Hằng, ông Dũng cho biết khi cần thiết sẽ uỷ quyền cho luật sư tham gia giải quyết vụ kiện. Ngoài ra ông Dũng từ chối bình luận hay nói gì thêm.
Đỗ Trường
  

Bà Nguyễn Phương Hằng cam kết cẩn trọng hơn trong phát ngôn khi livestream

Cuối tháng 5.2021, Sở TT-TT TP.HCM đã làm việc với đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Phương Hằng (ngụ Q.3, TP.HCM) về những phát ngôn của bà Hằng được phát trực tiếp (livestream), trình bày trên các clip (đoạn phim video) được đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Facebook và kênh YouTube có nội dung không chuẩn mực, phản cảm, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội và cá nhân khác.
Theo đó, bà Nguyễn Phương Hằng hứa sẽ rút kinh nghiệm, đồng thời cam kết sẽ cẩn trọng hơn trong phát ngôn khi sử dụng những từ ngữ làm ảnh hưởng đến người khác.
Trước đó, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội.
Theo Bộ TT-TT, những năm gần đây, mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dùng internet trong nước sử dụng, đặc biệt là 2 nền tảng cung cấp xuyên biên giới Facebook và YouTube. Tuy nhiên, sự phát triển của mạng xã hội đã có những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội.
Bộ TT-TT đề nghị Sở TT-TT và công an các địa phương cần tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội, từ đó cần chủ động xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm trên địa bàn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.