Theo Android Authority, đây là mức doanh số tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2020. Với doanh số smartphone đạt 96 triệu chiếc vào tháng 5.2022, đó là mức giảm 4% so với tháng 4 và giảm 10% so với tháng 5 năm ngoái.
Người tiêu dùng toàn cầu dè dặt trong việc mua sắm smartphone |
chụp màn hình android authority |
Giải thích cho nguyên nhân của sự sụt giảm, các chuyên gia cho biết ngoài tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu và hạn chế về nguồn cung, doanh số smartphone cũng bị ảnh hưởng do nhu cầu lạm phát gia tăng, kinh tế Trung Quốc suy thoái và khủng hoảng bởi xung đột Nga - Ukraine.
Quay lại khoảng thời gian từ 2016 đến 2017, Apple đã phát hành iPhone SE đầu tiên của mình - một sản phẩm thay đổi cuộc chơi trong thời gian đó. LG vẫn đang sản xuất những chiếc điện thoại như V20 với màn hình kép, trong khi Samsung đối diện “thảm họa” Galaxy Note7 và Motorola giới thiệu Moto Z dạng mô-đun. Đó là thời điểm thị trường smartphone đang ở đỉnh cao với doanh số smartphone toàn cầu trong năm 2016 đạt 1,5 tỉ chiếc.
Đến năm 2022, các nhà sản xuất smartphone đang phải vật lộn với việc tích trữ hàng tồn kho khi mọi người đang mua ít điện thoại hơn. Ngược lại, Counterpoint lưu ý điều này dẫn đến việc sụt giảm số lô hàng và cắt giảm đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất smartphone. Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ tốt hơn vào nửa cuối năm nay khi nghiên cứu của Counterpoint cho thấy các đợt ra mắt sản phẩm mới và thời gian khuyến mãi bắt đầu từ tháng 6 giúp thị trường smartphone phục hồi để bù lại mức sụt giảm đã mất.
Doanh số smartphone toàn cầu trong những năm qua |
counterpoint research |
“Vào cuối tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp để đưa ra các biện pháp đối phó ổn định kinh tế quy mô lớn. Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện các chính sách tích cực hơn để kích thích nền kinh tế trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, chúng tôi tin rằng việc ra mắt smartphone gập lại mới với Samsung là công ty đi đầu có thể kích thích nhu cầu ở phân khúc cao cấp”, Liz Lee, chuyên gia phân tích cấp cao tại Counterpoint Research cho biết.
Mặc dù vậy, Counterpoint Research vẫn dự đoán thị trường smartphone trong năm 2022 sẽ giảm 3% so với năm 2021. Giám đốc nghiên cứu Tarun Pathak nói: “Nhu cầu về smartphone, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến, được thúc đẩy bởi sự thay thế khiến nó trở thành một lựa chọn theo ý người dùng. Và áp lực lạm phát đang dẫn đến tâm lý bi quan của người tiêu dùng trên toàn cầu với việc mọi người trì hoãn mua sắm các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm cả smartphone”.
Tóm lại, để ngành công nghiệp smartphone trở lại đỉnh cao trước đây, nó sẽ phải chờ đợi sự phục hồi kinh tế và vượt qua các yếu tố gây bất ổn khác như đại dịch và hạn chế về nguồn cung.
Bình luận (0)