"Lướt" liên tục mà không có mục đích gì
Mai Anh Duy, sinh viên Trường ĐH FPT tại TP.HCM, cho biết: "Có một ngày khi vào điện thoại kiểm tra xem mình sử dụng bao nhiêu thời gian thì giật mình khi thấy TikTok là app mình dùng nhiều nhất trong ngày. Có khi nghỉ giải lao giữa giờ 15 phút chỉ với ý định lấy ra xem giải trí nhưng lần nào xem mình cũng bị cuốn vào những video lố thời gian. Thậm chí vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi thì mình có thể coi từ sáng đến tối. Chỉ đơn giản là những video về review đồ ăn, địa điểm vui chơi, tin tức hằng ngày hoặc những video nhảy theo nhạc nhưng bị cuốn hút khiến mình xem không ngừng".
Chàng trai gen Z này bày tỏ: "TikTok cũng đã thay đổi thói quen tìm kiếm của mình, trước đây khi tìm một địa điểm để vui chơi hoặc đi ăn mình sẽ truy cập Google nhưng từ khi xem TikTok mình sẽ ưu tiên vào TikTok xem vì có thể thấy hình ảnh thực tế từ video và đọc những bình luận ở nơi này như thế nào".
Cũng dành khoảng từ 4 đến 5 giờ đồng hồ trong ngày để xem những video ngắn trên TikTok mỗi ngày, Vũ Trần Minh Huy, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói: "Những video ngắn trên TikTok với nội dung theo kiểu mì ăn liền liên tục xuất hiện mỗi khi mình bật điện thoại lên cứ cuốn hút mình xem đến quên cả thời gian".
TikToker Mỹ lo lắng vì dự luật mở đường cấm Tiktok
Tương tự, Nguyễn Trung Trực, sinh viên Trường ĐH FPT, cho biết: "Ban đầu mình xem TikTok chỉ để giải trí sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng nhưng dần dần bị cuốn theo các video trên TikTok và cứ lướt liên tục đến quên cả thời gian mà không có mục đích gì".
Nên có trách nhiệm với bản thân và thực hiện chiến lược 5T
Theo thạc sĩ Đinh Văn Mãi, công tác tại Trung tâm phát triển năng lực sinh viên, Trường ĐH Văn Lang, TikTok là mạng xã hội đang chinh phục giới trẻ tại Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Ngoài những điều tích cực, TikTok có thể gây nghiện cho người dùng nhất là giới trẻ.
"Hiện nay những video trên TikTok thu hút nhiều bạn trẻ xem bởi vì trong thời lượng ngắn, nó có thể cô đọng đa dạng những nội dung khác nhau với hình ảnh sinh động, hiệu ứng đặc sắc và hơn hết TikTok đã đánh đúng tâm lý tò mò của giới trẻ thông qua những xu hướng mới. Ngoài ra, thông qua những thuật toán TikTok đoán được sở thích của người xem và ưu tiên xuất hiện trước", thạc sĩ Mãi nói.
Thạc sĩ Mãi cũng cho rằng: "Hệ quả của việc "nghiện" TikTok dễ thấy nhất ở giới trẻ là sự giảm tập trung, sa sút về trí tuệ và mắc những bệnh về mặt tâm lý. Nguy hiểm hơn, việc nghiện lướt những video trên TikTok sẽ khiến gen Z thức khuya nhiều hơn, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ khiến cơ thể luôn mệt mỏi, không tỉnh táo".
Vậy theo ông làm thế nào để người trẻ có thể hạn chế xem TikTok? Thạc sĩ Mãi nói: "Để giảm việc xem TikTok, các bạn trẻ nên có trách nhiệm với bản thân và thực hiện chiến lược 5T sau đây để giảm số lần xem video ngắn của mình trên TikTok. Đó là, cần tách mình ra những video tiêu cực, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc. Tiếp cận và tương tác với các video, nhà sáng tạo nội dung truyền cảm hứng tích cực, năng lượng hạnh phúc hoặc những video giúp nâng cao năng lực bản thân. Tối ưu thời gian lướt TikTok bằng các kỹ thuật quản lý thời gian hiệu quả: đặt ra thời gian sử dụng, lên lịch cụ thể. Tạo dựng thói quen lành mạnh: giảm giờ sử dụng điện thoại, tập luyện thể dục. Tập trung phát triển bản thân: thấu hiểu bản thân, xác định mục tiêu trong cuộc sống và lên kế hoạch chinh phục mục tiêu trong tuần ngày, tuần tháng, tuần năm".
Bình luận (0)