'Độc cô cầu bại của võ Việt' - Kỳ 2: Những trận đài lịch sử

17/02/2018 09:30 GMT+7

Khi võ sư Lê Thanh Tùng đấu quyền anh với viên cố vấn người Mỹ, người Việt hò hét, cổ vũ cuồng khiến giới quân sự Mỹ lo ngại, rút súng ra cầm trên tay đề phòng bất trắc.

Mùa xuân các năm 1971, 1972, võ sư Lê Thanh Tùng thượng đài, giành thắng lợi trước nhiều võ sĩ tên tuổi của Việt Nam và một võ sĩ quyền anh là cố vấn quân sự người Mỹ.
Đấu quyền với chuyên gia cố vấn quân sự Mỹ
Theo võ sư Lê Ngọc Có, Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai, trong 2 đêm 24 và 25.12.1971, võ sư Lê Thanh Tùng liên tiếp có 2 trận thượng đài tại Pleiku (Gia Lai) lần lượt với võ sĩ Trần Can (võ đường Hà Trọng Sơn ở Bình Định) và viên cố vấn người Mỹ tên John (cố vấn quân sự cho Quân đoàn 2 của Việt Nam Cộng hòa) vẫn còn khắc sâu trong tâm trí nhiều người dân tại đây.
Trong đêm đài đầu tiên, thi đấu đến hiệp thứ 2 thì võ sĩ Trần Can trúng đòn của Lê Thanh Tùng nên không thể thi đấu tiếp, đành chấp nhận thua cuộc. Ngay sau đó, ông John đến gặp Ban tổ chức để thách đấu quyền anh. Các võ sư tên tuổi người Việt Nam có mặt ở Pleiku lúc đó bàn nhau, võ đường nào cũng có nhiều võ sĩ nhưng chỉ biết thi đấu theo thể thức tự do nên không dám nhận lời. Sáng hôm sau, khi ông Tùng còn đang ngủ thì Phó tỉnh trưởng Gia Lai lúc đó đến tận phòng nói chuyện, có nhắc đến lòng tự hào dân tộc. Và ông Tùng nhận lời ngay.
Võ sư Lê Thanh Tùng và những người bạn từng chứng kiến các trận thượng đài tại Pleiku đầu năm 1971 ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Theo võ sư Lê Thanh Tùng, trong đêm 25.12.1971 có rất nhiều người dân, binh lính của Việt Nam cộng hòa và giới quân sự người Mỹ theo dõi trận đấu. Hầu như người Việt nào cũng hò hét, cổ vũ cuồng nhiệt cho ông Tùng. Nhận ra sự cổ vũ quá mức bình thường từ khán đài, giới quân sự Mỹ ngồi bên trên rút súng ra cầm trên tay đề phòng bất trắc. Tức thì, bên dưới khán đài cũng liên tiếp xuất hiện tiếng lạch… cạch…, binh lính người Việt cũng lên đạn để phản ứng lại.
“Ông John ngoài 30 tuổi nhưng ra đòn rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đến hiệp đấu thứ 2, ông John bị trúng đòn vào mặt, chảy máu mũi nên xin dừng trận đấu, chấp nhận thua cuộc. Trận này, tôi nhận lời thách đấu rất bất ngờ và giành chiến thắng cũng rất bất ngờ. Nhưng đời võ sĩ có những trận đài như vậy thì khó có thể quên, nhất là tình cảm của khán giả dành cho mình”, ông Tùng kể.
Ngay sau khi trọng tài dừng trận đấu, một toán lính Mỹ ôm súng chạy lên sàn đấu thì nhiều binh lính người Việt cũng cầm súng chạy lên bảo vệ ông Tùng. Các binh lính người Việt bao vây xung quanh để đưa ông Tùng rời sàn đấu về đến khách sạn an toàn.
“Trận đấu giữa Lê Thanh Tùng và ông John diễn ra rất căng thẳng và hấp dẫn. Ông John đã quen với boxing nên đánh rất đẹp, ra đòn dứt khoát. Lê Thanh Tùng nhận lời thượng đài ở trận này cũng có phần liều lĩnh nhưng cũng nhờ ông ấy từng học boxing, đã giành chức vô địch ở Việt Nam nên cũng có kinh nghiệm. Chiến thắng của ông Tùng khiến người dân Pleiku lúc đó rất phân khích”, võ sư Lê Ngọc Có nói.
Ngậm... bùa vẫn thua
Đầu năm 1972, ông Tùng lại theo võ sư Lê Đại Hoan ra TX.Quy Nhơn (nay là TP.Quy Nhơn, Bình Định) để đáp lời thách đấu từ 2 võ sĩ của võ đường Minh Cảnh (ở Sài Gòn) là Minh Phi và Thạch Danh. Võ sư Minh Cảnh từng là nhà vô địch Đông Dương, được mệnh danh là “Võ vương Minh Cảnh”. Võ đường của võ sư Minh Cảnh đào tạo ra rất nhiều võ sĩ tên tuổi, làm mưa làm gió trên các sàn đấu ở miền Nam Việt Nam thời đó.
Hai trận đài này được tổ chức tại Sân vận động Quy Nhơn. Trong đêm đầu tiên, võ sĩ Minh Phi nhận ngay cú đá như trời giáng của võ sĩ Lê Thanh Tùng vào mặt và đành chịu thua ngay trong hiệp 1.
Võ sư Lê Thanh Tùng trước trận đấu ở Sân vận động Quy Nhơn năm 1972 ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Đối thủ của ông Tùng trong đêm thượng đài thứ 2 tại Quy Nhơn là Thạch Danh. Mỗi khi thi đấu, Thạch Danh thường ngậm tượng Phật vào miệng làm... bùa để cầu cho mình được phù hộ, bị đòn của đối phương vẫn không đau và sẽ giành được chiến thắng.
Trận đấu bắt đầu, Thạch Danh liền có những hành động kỳ quái để hù dọa, làm phân tâm đối thủ. Thậm chí, võ sĩ này còn tự dùng tay đấm vào ngực mình để thách thức đối phương. Chỉ mất chưa đến 1 phút để quan sát đối thủ, ông Tùng tung liên tiếp đòn tay và những cú đá trúng đối phương khiến Thạch Danh không thể chịu đựng hơn, đành bỏ cuộc ngay cuối hiệp 1.
Sáng hôm sau, khi gặp lại Lê Thanh Tùng, Thạch Danh vẫn nói: “Tối qua ông đánh tôi không có đau nhưng vì mệt quá tôi xin thua”. Còn võ sư Minh Cảnh nói: “Khi mình lên đến đỉnh cao rồi thì phải xuống thôi. Thời của chú đã qua rồi, giờ đến thời của Tùng. Ráng giữ”. Ông Tùng rất ngưỡng mộ tài năng và tích cách của võ sư Minh Cảnh nên nhớ mãi lời khuyên này.
Cũng sáng hôm đó, khi ông Tùng đang ở khách sạn thì cô Trần Thị Thanh Tú, người con gái có tiếng xinh đẹp của đương kim Phó tỉnh trưởng Bình Định, do ngưỡng mộ ông, đã cùng tài xế đến thăm và kết giao bạn bè.
Sau 2 trận đấu nói trên, võ sư Hà Trọng Sơn (ở Bình Định) dán lời thách đấu với võ đường Lê Đại Hoan khắp các bờ tường của Sân vận động Quy Nhơn. Võ sư Lê Đại Hoan nhận lời, hai bên hẹn nhau sẽ thượng đài tại xã Hòa Nghĩa (nay thuộc P.Cam Đức, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) 6 tháng sau.
>> Mời đón đọc kỳ 3: Đêm còn hay mất giữa 2 võ đường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.