Xưởng sản xuất bên trong cửa hàng của bà Lê Nhung ở số 8 Quán Sứ mỗi tháng lại 3 - 4 lần nổi lửa nấu bánh chưng. “Thường tôi nhận đặt hàng cố định để khách thắp hương ngày rằm, mồng một. Cũng có những đợt gói thêm vì khách muốn ăn, và tôi gom đơn lại rồi gói vừa đủ. Cố gắng để khách luôn có bánh tươi, vì những loại bánh chưng tôi làm, đặc biệt là bánh cốm cần như thế”, bà Nhung nói.
Bà Nhung vẫn gói bánh truyền thống, nhưng nhìn vào đơn đặt hàng thì thấy các loại bánh chưng mới được ưa chuộng hơn nhiều. Bà thường gói bánh chưng cẩm, nấu bằng hạt nếp cẩm. Với loại bánh này, cái ngán vì quá dẻo dính của bánh chưng thường đã biến mất. Gạo cẩm cũng cho vị ngọt của bánh đậm hơn. Bánh chưng gấc kế thừa bánh chưng ngọt từ xưa của các cụ, gạo và đậu ngào mật, miếng ba chỉ nấu kỹ thịt trong veo, vị thanh.
Nhưng “bảo bối” của bà Nhung là bánh chưng cốm. “Cốm rất khó giữ hình dạng hạt khi đã tẩm nước. Khi nấu nếu không có bí quyết thì không thể làm được loại bánh chưng cốm chín rền từ trong ra ngoài mà hạt cốm vẫn không nát. Cắn miếng bánh có độ thơm thoang thoảng của cốm, vị dẻo thoáng dai, quyện với đỗ rất mịn, thịt rất ngậy”, ông Kim Nghĩa, một khách hàng thường mua bánh chưng cốm chia sẻ.
Các hàng bánh cốm trên phố Hàng Than cũng nhận đặt hàng bánh chưng cốm. Tuy nhiên, bánh chưng cốm ở phố này không hoàn toàn giống bánh của bà Nhung, mà trộn lẫn gạo, cốm và nước lá nếp lọc để dàn đều màu cho gạo lẫn cốm. “Tôi rất thích vị bánh này. Bánh này ưu điểm là không quá dính như bánh truyền thống, lại thơm hơn. Nhưng bảo quản bánh này cũng khó hơn”, bà Thu Hải, một khách hàng thường đặt bánh chưng cốm Hàng Than, nói.
Cũng còn một loại bánh chưng khác người Hà Nội có thể lựa chọn là bánh chưng Bờ Đậu mang về từ Thái Nguyên. Đây là loại bánh chưng hoàn toàn truyền thống, rất thơm ngon. Gạo nếp nương không có vị dẻo hẳn như nếp cái hoa vàng dưới xuôi. Thơm nhưng ráo. Bánh chưng Bờ Đậu có cỡ vừa phải, giá đến tay khách đâu đó khoảng 55.000 đồng.
tin liên quan
Về làng Chuồn xem gói bánh chưngNhững ngày cận Tết, về thăm làng Chuồn sẽ bắt gặp cảnh nghệ nhân nơi đây tất bật làm bánh chưng, bánh tét để kịp phục vụ nhu cầu khách hàng.
Bánh chưng mini hút khách
Trong khi đó, nhà hàng ẩm thực Ánh Tuyết 25 Mã Mây lại chọn cách gói bánh nhiều cỡ. Những chiếc bánh chưng be bé của bà được nhiều người yêu thích. Cạnh bánh chưa đến 10 cm, lớp áo gạo mỏng dính và rất nhiều nhân đỗ thịt. Gói được chiếc bánh như thế tay nghề phải rất điêu luyện. Bà cũng nhận đặt hàng chứ không gói để bán sẵn. Khách mua đều, liên tục nên mỗi tuần gia đình bà gói 2 - 3 lần loại bánh chưng mini này.
Cũng là bánh chưng nhỏ, ở Hà Nội cũng có những người nhận chuyển bánh chưng Huế từ cố đô ra. Một trong những thương hiệu được nhiều người ưa chuộng là bánh chưng tiêu ông lão hàng rong Huế. Bánh bé xíu gói theo từng cặp, giá cũng chỉ hơn hai chục nghìn. Bánh chưng tiêu Huế có lẽ là bé nhất, nhưng vẫn cân đối mùi vị, không bị toàn vỏ thiếu nhân.
Đa dạng vậy, nên ở Hà Nội, mọi người có thể thưởng thức những loại bánh chưng lạ miệng, thơm ngon. Các loại bánh chưng ngon và độc đáo này cũng được mua làm quà tặng, nhất là gửi cho người thân, bạn bè ở nước ngoài.
Bình luận (0)