Không hiểu sao mỗi khi được tặng một chiếc bánh cốm trong chiếc hộp màu xanh lá mạ, tôi thường háo hức như mình là nhân vật chính trong lễ ăn hỏi của người Hà Nội...
Bánh cốm Hàng Than tinh tế, món quà không thể thiếu trong lễ ăn hỏi của người Hà Nội - Ảnh: Thúy Hằng |
Bánh cốm thường là một lễ vật không thể thiếu trong những đám hỏi xứ Kinh kỳ. Bên cạnh trầu cau, rượu thuốc, trái cây... nhà trai bưng đến nhà gái trăm chiếc bánh cốm, trăm chiếc bánh xu xuê. Màu đỏ của bánh xu xuê giao hòa với màu xanh của bánh cốm, như mong duyên của đôi trẻ trăm năm thắm đượm.
Bánh cốm có thể làm bằng cốm tươi hoặc cốm khô, nhưng dĩ nhiên, bánh cốm tươi vẫn là ngon nhất.
Làng Vòng (nay là phường Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy) nổi tiếng về cốm tươi, thế nhưng nhắc đến bánh cốm, phải kể đến bánh cốm Hàng Than, sản xuất ngay tại những gia đình trên dốc Hàng Than (Q. Hoàn Kiếm).
“Ông tổ” của loại bánh độc đáo này là cụ tổ Nguyễn Duy của dòng họ với hàng bánh cốm Nguyên Ninh, số 11 phố Hàng Than, những chiếc bánh cốm đầu tiên ra đời tại đây vào năm 1865.
|
Những người già trong phố cổ Hà Nội kể lại, trước năm 1989 chỉ có một vài nhà làm bánh cốm, đến nay có gần 50 cửa hàng khắp phố, nổi tiếng nhất là các thương hiệu bánh cốm An Ninh (43 Hàng Than), Nguyên Ninh (11 Hàng Than), Nguyên Hưng (79 Hàng Than)...
Tôi từng xem tận mắt một gia đình trên phố này làm bánh cốm thủ công và hiểu vì sao bánh cốm ở đây được chuộng đến thế.
Bánh cốm Hà Nội khác hẳn bánh cốm tại các tỉnh thành khác. Nó không trọng về khối lượng, kích thước mà trọng về mùi vị. Mỗi chiếc bánh mỏng, dẹt, có thể nhìn rõ cả lớp đậu xanh vàng óng trong nhân bánh. Lớp cốm dẻo mịn, màu xanh ngả vàng tự nhiên chứ không xanh biêng biếc. |
|
Cốm tươi xào với đường trong một chiếc chảo lớn cho cốm, đường quyện vào nhau. Đậu xanh hấp chín, nghiền mịn, trộn đều cùng đường cát, mứt bí, mứt hạt sen. Phết một lớp dầu ăn trên tấm lá chuối tươi, trải một lớp cốm xào đường, một lớp nhân đậu xanh, phủ một lớp cốm nữa, ép chặt lại, thế là thành món bánh cốm, ngửi thôi đã mê, chưa nói đến ăn.
Bánh gói trong một lớp nilon, đặt trong một chiếc hộp vuông màu xanh lá mạ. Sản xuất với số lượng lớn phục vụ đám cưới, hỏi của hàng ngàn người khắp các tỉnh thành, các công đoạn xay cốm, xào cốm tại Hàng Than có sự giúp sức của máy móc. Chỉ đến khi đóng gói bánh cốm mới làm bằng tay.
Mỗi gia đình trên phố Hàng Than đều có một chiếc kệ sắt lớn, chia thành nhiều tầng, mỗi tầng đặt vừa đủ một chiếc mẹt tre để “hong” bánh. Bánh cốm làm xong, cho vào giấy bóng, phải mất nửa giờ xếp trên mẹt tre để bánh ráo, rồi mới đóng vào hộp giấy.
|
Mỗi chiếc bánh để được từ 3 -5 ngày, nhưng ăn ngon nhất là sau khi bánh làm được vài giờ. Lớp cốm dẻo quánh dậy mùi thơm của hạt cốm tươi, chút nhân đậu xanh, mứt bí ngọt ngào níu người ăn, chẳng ai nỡ lòng nào cắn một hai miếng mà hết ngay chiếc bánh dù nó mỏng dính, mềm mại.
Tháng 3, đi ngang trên bất cứ cung đường nào của Hà Nội, gặp những chiếc xích lô chầm chậm trôi trên phố chở theo những chị những anh là lượt áo dài, mặt tươi như hoa, bưng theo những tráp trầu cau, bánh cốm, xu xuê phủ lụa đào, ấy là tôi biết một đôi trai gái sắp thành duyên.
Thi thoảng, nhận được quà của bạn tặng, một chiếc bánh cốm, một chiếc bánh phu thê, nói là bạn sắp lấy chồng, tự dưng, tôi thấy háo hức, nao nao, kiểu như chính mình sắp trở thành nhân vật chính trong ngày trọng đại.
Một người con trai hỏi tôi, em có muốn trở thành cô dâu Hà Nội để ăn hỏi có bánh cốm, xu xuê, có hàng xích lô, áo dài đỏ xếp hàng dài trên phố? Tôi cười, im lặng.
Đã qua một mùa xuân, bánh cốm theo chân chàng trai ấy về nhà một cô gái khác. Tôi không buồn, thấy hương bánh cốm cứ thoảng bay. Tôi đợi chờ những mùa xuân khác...
Thúy Hằng
Bình luận (0)